Ý tưởng hồi sinh các loài động vật tuyệt chủng vẫn hiện diện trong thế giới khoa học viễn tưởng, tuy nhiên giới khoa học đã đạt được một bước tiến nhỏ đến gần hơn mục tiêu này bằng cách chèn ADN của một chú voi ma mút vào tế bào của voi bình thường trong môi trường phòng thí nghiệm.
Geroge Church, nhà di truyền học tại Harvard, cùng với các cộng sự đã dùng một kỹ thuật chỉnh sửa gen gọi là CRISPR để chèn một số gen của voi ma mút quy định các tính trạng như tai nhỏ, lớp mỡ dưới da, màu sắc và độ dài của lông vào ADN da của voi bình thường. Công trình này hiện vẫn chưa được công bố trên tạp chí khoa học, cũng như chưa được đánh giá bởi giới khoa học gia.
Voi ma mút (tên khoa học Mammuthus primigenius) đã tuyệt chủng hàng thiên niên kỷ, cá thể cuối cùng chết cách đây khoảng 3600 năm. Nhưng các nhà khoa học cho rằng có thể hồi sinh voi ma mút và các loài khác bằng một phương pháp gọi là de-extinction.
Tuy nhiên chúng ta sẽ khó có thể sớm thấy voi ma mút bằng xương bằng thịt, “bởi vì còn nhiều việc nữa phải làm, nhưng chúng tôi đã lên kế hoạch,” Church cho biết.
Ghép ADN voi ma mút vào tế bào voi thường chỉ là bước đầu tiên trong một quá trình dài, kế tiếp họ cần phải tìm ra cách để tế bào ghép này trở thành một mô đặc biệt, từ đó mới biết được liệu họ có làm ra đúng thứ mong muốn. Ví dụ, nhóm nghiên cứu cần phải bảo đảm rằng gen voi ma mút tạo ra đúng màu và kiểu lông.
Sau đó, nhóm nghiên cứu dự định cấy tế bào ghép vào một tử cung nhân tạo; các nhà khoa học và các nhà bảo vệ động vật cho rằng cấy tế bào ghép vào tử cung của một con voi là phi đạo đức.
Nếu nhóm nghiên cứu có thể nuôi sống những con voi ma mút lai này, họ hy vọng có thể tạo ra một con voi có thể sống sót trong thời tiết lạnh giá, nơi mà chúng đối mặt với ít nguy cơ hơn từ con người. Chỉ khi nhóm nghiên cứu có thể đảm bảo sự sống sót của những sinh vật lai này, thì họ mới có thể ghép nhiều ADN của voi ma mút vào hệ gen của voi thường, để đạt được mục đích hồi sinh loài vật khổng lồ cổ xưa.
Tuy nhiên, voi ma mút không phải là thí sinh duy nhất cho dự án de-extinction. Vào năm 2003, các nhà khoa học đã cơ bản hồi sinh loài dê rừng Pyrenean, vốn đã tuyệt chủng vào năm 2000, bằng cách nhân bản một mẫu mô đông lạnh. Tuy nhiên, sinh vật nhân bản này chỉ sống được 7 phút sau khi chào đời.
Vài năm trước, một nhóm các nhà nghiên cứu đã lấy ADN từ mẫu vật 100 năm tuổi của loài cọp Tasmanian tại một bảo tàng ở Melbourne, Australia, sau đó đưa vào phôi của chuột, cho thấy các gen này vẫn còn có thể hoạt động.
Bản thân Church đang nghiên cứu để cố gắng hồi sinh bồ câu đưa thư, loài chim từng một thời phủ rợp bầu trời Bắc Mỹ nhựng đã tuyệt chủng vào đầu thế kỷ 20. Các nhà nghiên cứu đã giải trình tự khoảng 1 tỷ “ký tự” ADN từ mẫu vật 100 năm tuổi trong bảo tàng, và đang thử đưa chúng vào ADN của bồ câu bình thường.
Nhưng trong trường hợp thành công, họ sẽ đối mặt với các thách thức về phạm trù đạo đức. Ví dụ, khả năng hồi sinh trong phòng thí nghiệm các sinh vật từng-một-thời-tuyệt-chủng có thể dẫn đến sự hủy diệt môi trường sống tự nhiên, Stuart Pimm cho LiveScience biết vào tháng 8/2013, ông hiện đang là nhà bảo tồn sinh thái học tại Đại học Duke.
“Nó hoàn toàn bác bỏ những điều thực tế đang diễn ra mà việc bảo tồn hướng đến,” Pimm cho biết.
Các nhà khoa học khác đã rất thận trọng khi chấp nhận ý tưởng này. Stanley Temple, nhà sinh thái học tại Đại học Wisconsin-Madison cho LiveScience biết vào tháng 8/2013, “Chúng ta có thể sử dụng một vài trong các kỹ thuật này để thực sự giúp đỡ các loài đang bị đe dọa kéo dài sự tồn tại.”
<Theo Live Science>