Trong thời kỳ mang thai có rất nhiều tai biến sản khoa mà tỉ lệ tử vong hàng đầu chính là thuyên tắc ối.
Đa số sản phụ bị thuyên tắc ối tử vong trong giờ đầu, 85% số sản phụ sống sót có di chứng về thần kinh. Tỉ lệ tử vong thai nhi 21 – 32%, nếu tim thai vẫn còn xảy ra lúc tai biến, gần 70% sẽ sống được nếu đem ra kịp thời, nhưng 50% số trẻ sống sót có tổn thương thần kinh.
1. Thuyên tắc ối
a. Định nghĩa
Bệnh thuyên tắc ối (hội chứng giống shock phản vệ ở người mang thai ) là tình trạng trong đó nước ối, tế bào thai nhi, tóc hoặc các mảnh vụn khác xâm nhập vào máu của mẹ qua đường nhau thai ở tử cung và gây ra phản ứng giống dị ứng. Phản ứng này làm suy tim phổi cấp và xuất huyết nghiêm trọng (rối loạn đông máu).
b. Nguyên nhân gây bệnh
TS.BS Nguyễn Thị Thanh trưởng bộ môn gây mê hồi sức ĐH Y dược TP.HCM, ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch cho biết: “thuyên tắc ối được giới y khoa coi là một thảm họa sản khoa, xảy ra đột ngột không có triệu chứng báo trước vào thời điểm chuyển dạ hoặc ngay lập tức sau sinh. Trong dạng nặng, bệnh nhân khó thở dữ dội kèm tình trạng sốc với ngưng tim, ngưng thở, đôi khi kèm co giật, tử vong mẹ”.
Các chuyên gia cho rằng thuyên tắc ối là kết quả do dịch nước ối vào tĩnh mạch tử cung và điều này xảy ra khi có 3 điều kiện sau đây
- Vỡ màng ối: Nước ối bị chảy ra ngoài do màng ối vỡ sớm, nhau thai và thành cổ tử cung phân ly khiến cho mạch máu bị tổn thương. Lúc này nước ối sẽ thông qua các tĩnh mạch niêm mạc cổ tử cung đi vào tuần hoàn máu của mẹ. Khi tử cung co thắt mạnh nước ối nhanh chóng làm vỡ mạch máu, hậu quả dẫn đến các phản ứng của cơ thể và cơ chế động máu trở nên bất thường.
- Vỡ tĩnh mạch của tử cung hay cổ tử cung: làm cho các tĩnh mạch bên trong tử cung không còn ổn định, nước ối chảy vào mạch máu gây nên hiện tượng thuyên tắc ối.
- Áp lực buồng tử cung cao: Áp lực buồng tử cung quá lớn trong những trường hợp sinh nhiều con cũng dễ dẫn đến thuyên tắc ối. Ngoài ra, những trường hợp đa thai, khó sinh làm tổn thương cổ tử cung tạo điều kiện cho nước ối xâm nhập vào hệ thống mạch máu của mẹ dẫn đến thuyên tắc ối.
c. Biểu hiện lâm sàng
- Suy giảm chức năng tim mạch: Thiếu oxy, tụt huyết áp, ngưng tim, rối loại đông máu, suy chức năng tâm thất, tím tái
- Suy chức năng hô hấp: Co thắt phế quản, khó thở, ho, phù phổi, đau ngực
- Suy hệ thần kinh: co giật, chết não, nhức đầu
- Suy đa cơ quan dẫn đến tử vong
Thuyên tắc ối thường xảy ra ở giai đoạn cuối của cuộc chuyển dạ, sản phụ đột ngột khó thở, da xanh tái xảy ra trong vòng một vài phút đầu tiên, nhanh chóng theo sau là tụt huyết áp, phù phổi, shock, những biểu hiện thần kinh như lú lẫn, mất ý thức, co giật và hôn mê. Hơn 80% ngưng tim phổi trong vòng những phút đầu tiên, sau đó là rối loạn đông máu, đờ tử cung.
Do hiếm gặp với tỉ lệ 1/8.000 đến 1/80.000 ca sinh, nên hầu hết các BS sẽ không bao giờ gặp trong suốt quá trình hành nghề của mình, và kết quả là nguyên nhân chính xác của hội chứng này cũng chưa được hiểu rõ. Tuy nhiên, người ta cũng đưa ra giả thuyết cho rằng dịch nước ối và những tế bào thai khi vào tuần hoàn phổi của máu mẹ sẽ xảy ra quá trình bệnh lý theo 2 giai đoạn:
Giai đoạn 1: Sản phụ khó thở cấp kèm cao huyết áp. Quá trình này xảy ra nhanh chóng và tiến triển đến ngưng tim phổi. Sau đó sản phụ rơi vào hôn mê
Giai đoạn 2: Mặc dầu nhiều sản phụ khó sống sót qua giai đoạn 1, nhưng khoảng 40% người sống sót ở giai đoạn 1 sẽ bước vào giai đoạn 2. Đây là giai đoạn chảy máu và có thể kèm theo rét run nặng, ho, nôn ói và cảm giác khó chịu trong miệng. Do chảy máu quá mức sẽ đưa đến rối loạn đông máu, suy thai cấp
d. Tỉ lệ sống sót
Tỉ lệ tử vong cho mẹ hơn 80%, mặc dầu tỉ lệ sống sót của thai nhi có thể đến 70%. Thống kê cho thấy 50% sản phụ sẽ chết trong giờ đầu khi khởi phát triệu chứng và một tỉ lệ cao nếu sống sót thì để lại di chứng thần kinh nặng nề.
2. Những yếu tố làm tăng nguy cơ
Các yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh có thể bao gồm:
- Mẹ bầu tuổi cao: Nếu bạn sinh con khi trên 35 tuổi thì sẽ có nguy cơ bị bệnh thuyên tắc ối;
- Bất thường nhau thai: Nếu có cấu trúc phát triển bất thường trong tử cung khi mang thai, bạn sẽ tăng nguy cơ mắc bệnh thuyên tắc ối. Các bất thường có thể bao gồm nhau tiền đoạn một phần hay toàn phần hoặc nhau thai bong ra bên trong tử cung trước khi sinh (nhau bong non). Những bất thường này có thể phá vỡ rào cản vật lý giữa bạn và bé;
- Tiền sản giật: Nếu bạn mắc tiền sản giật – huyết áp cao và protein nhiều trong nước tiểu sau tuần 20 – sẽ có nguy cơ bị bệnh thuyên tắc ối;
- Mổ lấy thai: Việc dùng kẹp hoặc giác hút lấy thai có thể làm tăng nguy cơ bị bệnh thuyên tắc ối. Các thủ thuật này có thể phá vỡ hàng rào vật lý giữa bạn và bé. Tuy nhiên, các chuyên gia không chắc rằng mổ lấy thai có làm tăng nguy cơ mắc bệnh thuyên tắc ối hay không.
- Đa ối: Là tình trạng có quá nhiều nước ối quanh thai nhi, làm bạn có nguy cơ bị bệnh thuyên tắc ối.
3. Phòng ngừa
Theo TS.BS Lê Thị Thu Hà (Bệnh viện Từ Dũ): Cho đến nay không có biện pháp dự phòng hữu hiệu đối với thuyên tắc ối. Bệnh lý này không thể ngăn chặn được, và ngay cả các bác sĩ cũng rất khó khăn trong việc dự đoán khi nào nó sẽ xảy ra trong suốt quá trình sản phụ chuyển dạ.
Chỉ có thể hạn chế phần nào bằng việc
- Không nạo phá thai
- Không sinh dày
- Nếu đã lớn tuổi (trên 40) thì nên cân nhắc việc mang thai
- Giảm thiểu tối đa những va chạm mạnh vào vùng bụng lúc thai đã lớn
- Hãy nói chuyện với bác sĩ khoa sản về tiền sử bệnh khi muốn có thai
4. Điều trị
Phương pháp điều trị bệnh khẩn cấp bao gồm:
- Đặt catheter: Bác sĩ sẽ đặt ống catheter vào một trong các động mạch để theo dõi huyết áp. Bác sĩ cũng đặt ống vào tĩnh mạch ở ngực (ống thông tĩnh mạch trung tâm) để cung cấp dịch truyền, thuốc hoặc máu
- Cung cấp oxy: Bác sĩ có thể đặt ống thở vào khí quản để giúp thai phụ thở dễ dàng hơn
- Sử dụng thuốc: Bác sĩ có thể dùng các loại thuốc để cải thiện và hỗ trợ chức năng tim. Các thuốc khác có thể được sử dụng để làm giảm áp lực gây ra bởi chất lỏng đi vào tim và phổi
- Truyền máu: Nếu bị chảy nhiều máu, cần phải được truyền máu và dịch thay thế
Trong trường hợp bạn bị bệnh thuyên tắc ối trước khi sinh em bé, bác sĩ sẽ điều trị với mục tiêu đảm bảo đưa thai nhi ra ngoài an toàn càng sớm càng tốt. Lúc này, bạn cần được mổ lấy thai khẩn cấp.
5. Lời kết
Bệnh thuyên tắc ối không thể dự báo, không có cách dự phòng và là một cấp cứu sản khoa không điều trị được. Trong khi chuyển dạ cần nhanh chóng ghi nhận các dấu hiệu và triệu chứng, hồi sức tích cực và điều trị hỗ trợ là điều kiện tiên quyết có thể mang lại hy vọng cứu sống mẹ và thai nhi. Thuyên tắc ối xảy ra nhanh chóng và không có triệu chứng nhận biết sớm để để phòng. Vì vậy mẹ bầu cần tăng cường tìm hiểu thông tin, đặc biệt là hạn chế sinh nhiều lần, mang thai khi đã lớn tuổi, thường xuyên kiểm tra định kỳ.
Bibliography
Bau.vn. (2016. Dec 26). Cách để mẹ bầu tránh được thuyên tắc mạch ối. Lấy ngày: Feb 1, 2018 tại địa chỉ http://bau.vn/bau/tin-36150/cach-de-me-bau-tranh-duoc-thuyen-tac-mach-oi.html
BV Hồng Ngọc. (2015. Jun 18). Thuyên tắc ối. Lấy ngày: Feb 1, 2018 tại địa chỉ https://hongngochospital.vn/thuyen-tac-oi/
Tuoitre.vn. (2017. Feb 22). Thuyên tắc ối - tình trạng cấp cứu sản khoa hiếm gặp. Lấy ngày: Feb 1, 2018 tại địa chỉ https://tuoitre.vn/thuyen-tac-oi-tinh-trang-cap-cuu-san-khoa-hiem-gap-1268383.htm
Thu Trang. (2014. Oct 9). Thuyên tắc ối là bệnh gì?. Lấy ngày: Feb 1, 2018 tại địa chỉ https://hellobacsi.com/benh/thuyen-tac-oi/
TS.BS Lê Thị Thu Hà (Bệnh viện Từ Dũ). (2012. Jun 29). Thuyên tắc ối: “trời kêu” phải dạ?. Lấy ngày: Feb 1, 2018 tại địa chỉ https://thanhnien.vn/suc-khoe/thuyen-tac-oi-troi-keu-phai-da-485698.html