Phụ nữ mang thai thường xuyên phải đối mặt với sự thay đổi sinh lí và nội tiết tố gây ra nhiều biểu hiện như: buồn nôn, đau tức thượng vị, các triệu chứng liên quan đến viêm loét dạ dày… Mặc dù mệt mỏi nhưng vì sợ thuốc thang làm ảnh hưởng đến thai nhi, vì vậy các mẹ bầu luôn cảm thấy băn khoăn trước khi sử dụng một loại thuốc nào đó. Nỗi ám ảnh về chuyện ăn uống có thể gây ra dị tật bẩm sinh hoặc tác động xấu tới sự phát triển của thai đối với thai phụ là quá lớn. Dựa vào đâu có thể biết được thuốc nào là an toàn cho phụ nữ mang thai? Cùng tìm hiểu về các loại thuốc cho thai phụ ở bài viết dưới đây.
1. Phân loại thuốc
Đối với tất cả các loại thuốc đang lưu hành trên thị trường dược phẩm thế giới, qui định quan trọng bắt buộc phải ghi rõ phân nhóm mức độ an toàn cho phụ nữ mang thai nhằm giúp việc sử dụng thuốc trong thai kì trở nên an toàn hơn. Năm 1979, Cơ quan Quản lý Thực – Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) đã đưa ra 5 nhóm nguy cơ theo chữ cái A, B, C, D, X để chỉ ra nguy cơ gây ra dị tật khi sử dụng thuốc trong thời kì mang thai như sau:
a. Loại A
Các nghiên cứu chứng minh được thuốc không có nguy cơ cho thai nhi trong ba tháng đầu (và những tháng sau của thai kỳ).
Ví dụ thuốc: levothyroxine, acid folic, liothyronine
b. Loại B
Các nghiên cứu ở động vật đã không tìm thấy nguy cơ nhưng chưa có bằng chứng tin cậy đối với phụ nữ có thai.
Ví dụ thuốc: metformin, hydrochlorothiazide, cyclobenzaprine, amoxicillin, pantoprazole
c. Loại C
Các nghiên cứu ở động vật cho thấy không có tác dụng phụ với thai và chưa có bằng chứng ở người, nhưng những lợi ích mang lại có thể cho phép sử dụng thuốc ở phụ nữ mang thai mặc dù có nguy cơ tiềm ẩn.
Ví dụ thuốc: tramadol, gabapentin, amlodipine, trazodone
d. Loại D
Có bằng chứng rõ ràng về nguy cơ thai nhi dựa vào kết quả nghiên cứu, tuy nhiên những lợi ích điều trị có thể đảm bảo sử dụng thuốc ở phụ nữ mang thai mặc dù có nguy cơ tiềm ẩn.
Ví dụ thuốc: lisinopril, alprazolam, losartan, clonazepam, lorazepam
e. Loại X
Các nghiên cứu và báo cáo ở động vật hoặc ở người đã cho thấy những nguy cơ đối với thai nhi dựa trên kết quả nghiên cứu và nguy cơ sử dụng thuốc ở phụ nữ mang thai rõ ràng lớn hơn lợi ích nghiên cứu. Chống chỉ định sử dụng thuốc này đối với phụ nữ mang thai.
Ví dụ thuốc: atorvastatin, simvastatin, warfarin, methotrexate, finasteride
Như vậy, thuốc loại A là loại thuốc an toàn cho phụ nữ mang thai (ví dụ như acid folic rất cần thiết cho phụ nữ có thai, nếu thiếu có thể gây dị tật cho thai nhi), thuốc loại X chống chỉ định với phụ nữ mang thai do đó tránh hoặc thận trọng khi dùng các loại thuốc này.
2. Ảnh hưởng của thuốc đến thai kỳ
3 tháng đầu thai kỳ: Giai đoạn hình thành các cơ quan (tim, thần kinh trung ương, tay, chân…). Một số thuốc cản trở sai lệch quá trình này gây ra dị tật, quái thai.
3 tháng giữa thai kỳ: Giai đoạn trưởng thành và hoàn thiện. Giai đoạn này thai ít nhạy cảm hơn với thuốc. Tuy nhiên, vẫn có những bộ phận tiếp tục biệt hóa như hệ thần kinh, hệ sinh dục bên ngoài nên thuốc có thể gây hại cho các bộ phận này.
3 tháng cuối: Giai đoạn các bộ phận của thai đã hình thành đầy đủ nhưng chưa hoàn thiện như gan chưa làm tốt chức năng chuyển hóa, thận chưa hoàn thiện chức năng đào thải. Trong khi đó nhau thai đã thay đổi (mỏng đi) nên nhiều thuốc có thể thấm ồ ạt vào thai. Giai này này thuốc có thể gây hại cho thai, cho trẻ sinh ra và cho cả mẹ khi sinh nở.
Ảnh hưởng của một số loại thuốc đến thai kì:
a. Thuốc giảm đau, hạ sốt paracetamol
Paracetamol là thuốc giảm đau và hạ sốt được sử dụng rộng rãi nhất, đặc biệt trong thời kỳ mang thai. Tuy nhiên, trong Paracetamol có chứa caffeine. Khi sử dụng quá liều, caffein có thể dẫn đến tình trạng em bé bị thiếu cân, hoặc nguy hiểm hơn là nhiễm độc thai kì.
Đặc biệt khi thai nhi 14 tuần, bào thai đã có khả năng chuyển hóa paracetamol và tạo ra NAPQI. Nếu bạn tiến hành chữa trị chậm trễ thì có thể dẫn đến sẩy thai.
b. Thuốc tránh thai và giảm cân
Tin tốt là các nghiên cứu cho thấy việc uống thuốc sẽ không làm tổn thương em bé. Một số nghiên cứu cho rằng thuốc sẽ làm tăng khả năng sinh non, thiếu cân hoặc các vấn đề về đường niệu bẩm sinh, nhưng hiếm khi xảy ra.
Vì vậy, thai phụ cần tuân thủ đúng theo những yêu cầu về khám và kiểm tra sức khỏe để kịp thời phát hiện những bất thường.
c. Thuốc Pepto Bismol
Đây là loại thuốc chữa bệnh ợ nóng, khó tiêu, buồn nôn. Ngoài ra, thuốc còn làm giảm triệu chứng ợ nóng hoặc trào ngược trong thai kì. Tuy nhiên, thành phần salicylate trong thuốc gây nguy hiểm cho thai nhi đặc biệt ở thời kì tam nguyệt cá thứ 3.
d. Thuốc da liễu
Axit salicylic dùng để giảm tình trạng viêm đỏ ngoài da như: mụn nhọt, gàu, vảy nến, viêm da tiết bã, giảm các dấu hiệu lão hóa da, mụn cóc, chai sần trên da…
Theo đại học Sản phụ khoa Hoa Kỳ (ACOG), thuốc này khá an toàn khi mang thai. Tuy nhiên, bác sĩ thường hay kê đơn cùng với aspirin (thuốc này làm tăng nguy cơ sẩy thai, ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi và tăng nguy cơ đứt nhau thai).
3. Cách xử lí và phòng ngừa bệnh
Trong thời gian mang thai, thường thì hệ thống miễn dịch của phụ nữ sẽ suy giảm đi do đó thai phụ dễ mắc nhiều bệnh hơn, đặc biệt là các bệnh như thiếu máu, tiền sản giật, đái tháo đường, hen suyễn, trầm cảm, cảm cúm, viêm mũi dị ứng, bệnh nha khoa, viêm âm đạo do nấm, mụn rộp do virus Herpes simplex… Và việc thai phụ kéo dài trong tình trạng bệnh sẽ ảnh hưởng ít nhiều đến sức khỏe của em bé.
Tùy thuộc vào loại bệnh, mức độ nặng nhẹ mà có phương pháp điều trị khác nhau. Thai phụ cần thận trọng khi sử dụng thuốc hay kháng sinh, chỉ uống theo chỉ định của bác sĩ.
Thai phụ cũng cần đi khám thai định kỳ, thực hiện các xét nghiệm, siêu âm, tham khảo các phương pháp sàng lọc dị tật trước sinh. Lưu ý, thai phụ nên tránh các thao tác như X-quang, MRI, dùng thuốc giảm đau, hay gây tê nha khoa.
Một số bệnh có thể truyền sang cho em bé trong khi sinh ví dụ như viêm gan B, em bé có thể được bảo vệ suốt đời khỏi HBV bằng cách tiêm vacxin ngừa viêm gan loại B, 3 liều – 3 lần theo từng thời điểm của bé.
Ngoài ra, một số lời khuyên cho thai phụ giúp cơ thể có sự chuẩn bị tốt nhất để chiến đấu đẩy lùi bệnh tật:
- Tăng cường chế độ dinh dưỡng, bổ sung Vitamin – Vitamin và chất bổ sung chứa các chất dinh dưỡng góp phần cho hệ miễn dịch và cơ thể khỏe mạnh.
- Uống nhiều nước và điện giải cũng rất cần thiết. Chúng giúp làm sạch cơ thể.
- Nghỉ ngơi – cơ thể nghỉ ngơi giúp hệ miễn dịch hoạt động tốt hơn. Một hệ miễn dịch khỏe mạnh có thể giúp nhanh khỏi bệnh.
- Giữ gìn vệ sinh cá nhân sạch sẽ giúp tăng khả năng đề kháng với các bệnh truyền nhiễm, bảo vệ sức khỏe của cả mẹ và bé.
4. Xử trí khi lỡ uống thuốc mà không biết có thai
Cảm giác lo lắng, thậm chí sợ hãi là khó tránh khỏi khi thai phụ lỡ uống thuốc nhưng không biết đang có thai. Nhưng thai phụ nên bình tĩnh và xác định phương hướng giải quyết, tâm trạng tiêu cực có thể ảnh hưởng xấu tới thai nhi.
Phụ nữ đang mang thai nhưng không hề biết, trong quý đầu tiên của thai kì lại đi uống thuốc kháng sinh, thuốc tránh thai khẩn cấp, tiêm phòng các loại bệnh như cúm, thủy đậu, sởi, quai bị, dại, Rubella hay thuốc xổ giun, thuốc đau dạ dày, giảm sốt, thuốc ho. Điều này rất nguy hiểm vì một số loại thuốc thông thường có thể gây sảy thai hoặc dị tật bẩm sinh cho bé.
Khi phát hiện mình có thai, điều cần làm là nên ngừng ngay việc sử dụng thuốc, lưu lại tên thuốc, liều lượng thuốc và thời gian dùng. Sau đó đến gặp bác sĩ để được khám và tư vấn về tác hại của loại thuốc đã dùng. Tham khảo các phương pháp sàng lọc trước sinh trong thời kì mang thai để tránh dị tật không đáng có cho bé và các trường hợp đình chỉ thai không cần thiết.
Tốt nhất không nên tự ý dùng thuốc trong thai kỳ, trừ khi cần thiết vì nó có thể gây hại cho thai nhi. Khoảng 2 đến 3% tất cả các dị tật bẩm sinh là do các loại thuốc được dùng để điều trị rối loạn hoặc triệu chứng.
5. Lời kết
Trong thai kì, người mẹ và thai nhi có mối liên hệ không thể tách rời, do đó đặc biệt thận trọng trong việc sử dụng thuốc. Bởi vì thuốc được sử dụng trong thời kỳ thai nghén có thể gây tác dụng xấu đến bất cứ giai đoạn phát triển nào của thai kỳ (trong 3 tháng đầu thai kỳ, một số thuốc có thể gây ra quái thai, dị tật bẩm sinh…).
Nếu có thể, bà bầu tuyệt đối tránh sử dụng thuốc kháng sinh trong 3 tháng đầu của thai. Nếu cần thiết phải dùng thuốc chữa bệnh, đặc biệt có những bệnh như trình bày ở trên mà cần dùng thuốc để chữa trị kịp thời thì tốt nhất là đến khám ở bác sĩ để được chỉ định thuốc. Khi đó bác sĩ sẽ cân nhắc thật kỹ giữa lợi ích sức khỏe của bà mẹ và mức ảnh hưởng đến bào thai để chọn loại thuốc cho phù hợp và an toàn đối với thai phụ. Nếu đã có thai mà không biết, lỡ dùng một số loại thuốc nguy hiểm thì trong thời gian mang thai, cần khám thai định kỳ để được bác sĩ chuyên khoa theo dõi kỹ sự phát triển của thai nhi.
Bibliography
Drugs.com. (2025. Jan 18). FDA Pregnancy Categories. Lấy ngày: Feb 5, 2018 tại địa chỉ https://www.drugs.com/pregnancy-categories.html
MSD Manual. (2025. Jan 18). Drug Use During Pregnancy. Lấy ngày: Feb 6, 2018 tại địa chỉ http://www.msdmanuals.com/home/women-s-health-issues/drug-use-during-pregnancy/drug-use-during-pregnancy
Healthyphus.vn. (2016. Dec 19). Tại sao bà bầu cần đặc biệt cẩn trọng khi uống aspirin?. Lấy ngày: Feb 6, 2018 tại địa chỉ http://healthplus.vn/phu-nu-mang-thai-uong-aspirin-can-than-say-thai-con-mac-benh-tim-d47850.html
Dinh dưỡng bà bầu. (2025. Jan 18). 10 bệnh lý thường gặp phụ nữ mang thai cần biết. Lấy ngày: Feb 5, 2018 tại địa chỉ http://dinhduongbabau.net/10-benh-ly-thuong-gap-phu-nu-mang-thai-can-biet-520/
NHS Choices. (2015. May 27). Can I take paracetamol when I'm pregnant?. Lấy ngày: Feb 6, 2018 tại địa chỉ https://www.nhs.uk/chq/Pages/2397.aspx?CategoryID=54