Theo một nghiên cứu mới đây tại trường Y dược Yale, một loại hormone được sản xuất bởi các tế bào chuyên biệt trong tuyến ức có thể kéo dài đến 40% tuổi thọ ở chuột. Nhóm nghiên cứu cũng thấy rằng khi tăng mức độ hormone này (còn gọi là FGF21) có thể giúp chống lại hiện tượng mất chức năng miễn dịch do tuổi tác.
Được công bố trực tuyến trên trang web của Viện Hàn lâm Khoa học Quốc Gia Mỹ vào ngày 11 tháng 1, nghiên cứu này có ý nghĩa trong tương lai về việc cải thiện chức năng miễn dịch ở người già, người béo phì, các bệnh nhân ung thư và tiểu đường loại 2.
Khi hoạt động bình thường, tuyến ức sản xuất tế bào T mới cho hệ thống miễn dịch, nhưng theo thời gian, tuyến ức chứa nhiều chất béo và mất khả năng sản xuất tế bào T mới. Một trong những nguyên nhân làm tăng nguy cơ bệnh truyền nhiễm và ung thư ở người già chính là do mất các tế bào T mới trong cơ thể.
Nhóm nghiên cứu dẫn đầu bởi giáo sư y học và miễn dịch học Vishwa Deep Dixit tại trường y dược Yale, đã nâng mức độ FGF21 trên những con chuột chuyển đổi gene. Họ loại bỏ chức năng của gene và nghiên cứu tác động của việc giảm mức độ FGF21 . Nhóm nghiên cứu phát hiện rằng khi tăng mức FGF21 ở những con chuột già giúp bảo vệ tuyến ức khỏi bị thoái hóa mỡ do tuổi tác và tăng khả năng sản xuất tế bào T mới, trong khi thiếu FGF21 lại đẩy nhanh quá trình thoái hóa.
“Chúng tôi phát hiện ra mức độ FGF21 trong tế bào biểu mô tuyến ức cao hơn trong gan vài lần- do đó hoạt động của FGF21 trong tuyến ức giúp thúc đẩy quá trình sản xuất tế bào T. Nâng mức FGF21 ở người già hoặc bệnh nhân ung thư đã trải qua cấy ghép tủy xương có thể là một phương án bổ sung để tăng sản xuất tế bào T, giúp tăng cường chức năng miễn dịch,” Dixit chia sẻ.
Dixit nhấn mạnh FGF21 được sản xuất trong gan như là một hormone nội tiết. Mức độ của nó tăng khi lượng calo bị hạn chế để cho phép các chất béo được đốt cháy trong trường hợp nồng độ glucose thấp. FGF21 là một hormone chuyển hóa để cải thiện độ nhạy insulin và cũng làm giảm cân; do đó nó đang được nghiên cứu trong điều trị tiểu đường loại 2 và béo phì.
Theo Dixit các nghiên cứu sắp tới sẽ tập trung vào việc tìm hiểu làm thế nào FGF21 bảo vệ tuyến ức khỏi quá trình lão hóa, và liệu việc nâng FGF21 bằng thuốc có thể kéo dài tuổi thanh xuân con người và hạ thấp tỷ lệ mắc bệnh do tuổi tác có liên quan đến mất chức năng miễn dịch.
“Chúng tôi cũng sẽ xem xét phát triển một phương pháp bắt chước cơ chế hạn chế calo để tăng cường chức năng miễn dịch mà không thực sự làm giảm lượng calo đầu vào.”
Các cộng sự của ông trong nghiên cứu này bao gồm Yun Hee-Youm, Tamas Horvath, David Mangelsdorf, và Steven Kliewer.
Nghiên cứu được tài trợ bởi Viện Y tế quốc gia, tổ chức Robert Welch và Viện Y dược Howard Hughes.
<Trần Thảo dịch>
Tế bào T là tế bào trung gian của miễn dịch tế bào, nó được đặt tên như vậy là vì các tế bào tiền thân của chúng sau khi được sinh ra trong tuỷ xương đã di cư đến và trưởng thành tại tuyến ức (thymus). Tế bào T có hai tiểu quần thể chính, đó là tế bào T giúp đỡ và tế bào T gây độc.
Bibliography
Yale University. (2016, January 11). Life-extending hormone bolsters the body’s immune function. Retrieved January 13, 2016 from http://news.yale.edu/2016/01/11/life-extending-hormone-bolsters-body-s-immune-function