Một xét nghiệm máu đơn giản có thể dự đoán khả năng liệu một người khoẻ mạnh sẽ phát triển các triệu chứng suy giảm trí nhớ trong vòng 2 đến 3 năm tới. Nếu kết quả này được mở rộng nghiên cứu, phương pháp xét nghiệm này có thể lấp đầy chỗ trống trong cuộc chiến chống lại chứng thoái hoá não, vốn chỉ biểu hiện các triệu chứng tại giai đoạn quá trễ để có thể chữa trị hiệu quả.
Xét nghiệm này được tiến hành trong một nghiên cứu sơ bộ bao gồm 525 người có độ tuổi trên 70. Người ta đã xác định được một tập hợp gồm 10 chất chuyển hoá lipid trong huyết tương có thể phân biệt với độ chính xác đến 90% giữa người nhận thức bình thường và người có dấu hiệu phát triển suy giảm khả năng nhận thức.
“Những phát hiện này hứa hẹn vô cùng thú vị,” Simon Lovestone chia sẻ, ông hiện là nhà nghiên cứu thần kinh tại Đại học Oxford, và là điều phối viên của dự án hợp tác lớn thuộc Liên minh Châu Âu về tìm kiếm các dấu sinh học của bệnh Alzheimer. Tuy nhiên ông đã chỉ ra rằng chỉ có 28 người tình nguyện phát triển các dấu hiệu tương tự như những người mắc bệnh Alzheimer trong nghiên cứu mới đây. “Do đó phát hiện này cần phải được kiểm chứng trong các nghiên cứu độc lập và quy mô lớn hơn.”
Hiện tại trên thế giới có khoảng 35 triệu người mắc bệnh Alzheimer và người ta vẫn chưa tìm ra liệu pháp chữa trị hữu hiệu. Trong vài năm qua, một số liệu pháp chữa trị tiềm năng (như điều trị Alzheimer bằng thay thế gen) đã được thử nghiệm lâm sàng, nhưng đều chưa đạt được kết quả như mong đợi. Tuy nhiên, các thử nghiệm này được thực hiện trên những người đã phát triển các triệu chứng. Nhiều nhà thần kinh học sợ rằng trong các trường hợp này thì hiệu quả chữa trị sẽ mất đi, bởi vì không thể kìm hãm căn bệnh một khi nó đã phát tác. “Chúng tôi thật sự rất cần các dấu sinh học để có thể xác định những người mắc bệnh từ đó mời họ tham gia thử nghiệm trước khi họ bắt đầu có những triệu chứng của bệnh,” Lovestone cho biết.
Ở trong máu
Trong nghiên cứu gần đây, đăng trên tạp chí Nature Medicine, được dẫn đầu bởi nhà thần kinh học Howard Federoff thuộc Trung tâm y khoa của Đại học Georgetown tại Washington DC. Ông và các cộng sự đã kiểm tra kỹ năng nhận thức và ghi nhớ của những người tình nguyện, sau đó lấy máu của họ, khoảng mỗi năm 1 lần trong 5 năm. Nhóm nghiên cứu đã dùng phương pháp phối phổ để phân tích huyết tương của 53 người có dấu hiệu suy giảm nhận thức nhẹ hoặc bệnh Alzheimer, bao gồm 18 người phát triển các triệu chứng trong quá trình nghiên cứu và 53 người khác vẫn ở trạng thái khoẻ mạnh. Họ phát hiện ra 10 phospholipid hiện diện ở cùng một mức thấp trong máu của đa số người mang bệnh hay bắt đầu phát bệnh. Nhóm nghiên cứu đã kiểm chứng kết quả với thêm 41 tình nguyện viên nữa.
“Chúng thôi thật sự không rõ nguồn gốc của 10 phân tử này, mặc dù biết chúng thường có mặt trong màng tế bào,” Federoff cho hay. Tuy nhiên ông đề xuất rằng sự tập trung của phospholipid có thể ở phương diện nào đó phản ánh sự phá vỡ của màng tế bào neuron.
Federoff nhấn mạnh rằng kết quá của ông cần phải được kiểm chứng tại các phòng thí nghiệm độc lập và trong những nghiên cứu quy mô hơn. “Chúng tôi cũng cần phải xem xét các nhóm tuổi khác nhau, và đa dạng chủng tộc hơn nữa, cũng như thời gian nghiên cứu lâu hơn.”
Dễ thực hiện
Monique Breteler, trưởng khoa Dịch tễ học thuộc Trung tâm bệnh suy nhược thần kinh Đức tại Bonn, cho biết xét nghiệm dựa trên các dấu sinh học của Federoff sẽ vô cùng đơn giản và tiện lợi. “Nếu bạn phải tiến hành sàng lọc dân số để tìm ra những người có định mệnh gắn với bệnh Alzheimer và những người từ đó được hưởng lợi từ phương pháp điều trị mới phát triển, thì bạn sẽ cần dùng loại mẫu mà bạn có thể dễ dàng lấy được như máu,” Breteler chia sẻ.
Một số nhóm đang tìm kiếm sự hiện diện của mô trong dịch tủy hay dấu sinh học dựa trên hình ảnh não bộ – những phương pháp vốn không thực tế khi áp dụng cho quy mô lớn.
<Theo Nature>