Mặc dù các tổ chức quốc tế không ngừng kêu gọi tẩy chay hoặc dán nhãn cho GMO, các nhà sản xuất và giới khoa học một mực khẳng định các thực phẩm biến đổi gen là an toàn và gắn nhãn là không cần thiết vì sẽ gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng. Tuy nhiên, chỉ có một điều chắc chắn rằng: trận chiến giữa việc ủng hộ và chống lại các cây trồng GMO và các loại thực phẩm có thành phần biến đổi gen sẽ không kết thúc một cách nhanh chóng trong tương lai gần. Trước mắt, sự lựa chọn giữa sử dụng hoặc tẩy chay GMO là do người tiêu dùng quyết định.
GMO: Thực phẩm biến đổi gen – Phần 1
Tranh cãi về nhãn GMO
Nếu có sự khác biệt đáng kể về độ an toàn, thành phần hoặc hàm lượng dinh dưỡng của các nguyên liệu có nguồn gốc từ cây trồng biến đổi gen, FDA có thể yêu cầu thêm thông tin trên nhãn của sản phẩm.
Vào tháng 11/2015, FDA đã ban hành đạo luật yêu cầu thêm nhãn phụ chỉ riêng cho những loại thực phẩm có nguồn gốc biến đổi gen nếu như có sự khác biệt về nguyên liệu (ví dụ như chỉ tiêu dinh dưỡng khác nhau) so với những sản phẩm không biến đổi gen. Cá hồi AquaAdvatage, giống cá hồi biến đổi gen sinh trưởng nhanh hơn cá hồi bình thường thường, cũng đã được chấp thuận.
“Bên cạnh đạo luật của FDA, gần đây American Medical Association (Hiệp hội Y khoa Mỹ) tái khẳng định rằng chưa có căn cứ khoa học để dán nhãn đặc biệt cho các loại thực phẩm có chứa nguyên liệu được biến đổi gen; American Association for the Advancement of Science (Hiệp hội vì sự tiến bộ của khoa học Mỹ) cũng có một tuyên bố tương tự. Chúng tôi ủng hộ lập trường và phương pháp làm việc của FDA” theo Monsanto.
GMO là những sản phẩm được quy định và thử nghiệm kỹ càng nhất trong lịch sử ngành nông nghiệp – theo GMO Answers, một trang web được tài trợ bởi các thành viên của Council for Biotechnology Information (Hội đồng Thông tin Công nghệ sinh học), trong đó bao gồm: BASF, Bayer CropScience, Dow AgroSciences, DuPont, Monsanto và Syngenta.
“Ngoài ra, nhiều nhà khoa học và các tổ chức độc lập trên thế giới như U.S. National Academy of Sciences (Viện hàn lâm quốc gia Hoa Kỳ về khoa học), United Nations Food and Agriculture Organization (Tổ chức Liên Hiệp Quốc về Lương thực và Nông nghiệp), World Health Organization (Tổ chức Y tế Thế giới), American Medical Association (Hiệp hội Y khoa Hoa Kỳ) và American Association for Advancement of Science (Hiệp hội Mỹ vì sự tiến bộ của khoa học) – đã xem xét hàng ngàn nghiên cứu khoa học và kết luận rằng thực phẩm từ cây trồng biến đổi gen không gây nhiều nguy cơ cho người, động vật hoặc môi trường hơn so với bất kỳ loại thực phẩm nào khác.”
Các tranh cãi về sự phát triển và quảng bá các loại thực phẩm biến đổi gen đã trở thành một vấn đề chính trị nóng bỏng trong những năm gần đây.
Tính chính trị của GMO
Ngoài các cuộc tranh luận khoa học về GMO, thực phẩm biến đổi gen cũng đã trở thành một đề tài chính trị.
Theo tờ Washington Post, Mike Pompeo (R-Kan.) đã ủng hộ một dự luật không cho phép cơ quan lập pháp tiểu bang và địa phương yêu cầu thông tin trên nhãn thực phẩm về các thành phần biến đổi gen. Trong khi đó Vermont, Connecticut và Maine đã thông qua luật dán nhãn bắt buộc đối với thực phẩm biến đổi gen. Ít nhất 15 tiểu bang khác đang xem xét quy định tương tự.”
Chấp hành quy định dán nhãn theo từng tiểu bang sẽ là một thử thách cho ngành công nghiệp thực phẩm, theo luật sư Thomas Sullivan của công ty luật Morgan Lewis, người gần đây đã công bố báo cáo về việc khảo sát sự gia tăng phản ứng của các tầng lớp xã hội liên quan đến việc ghi nhãn thực phẩm, dự đoán về việc chính phủ và lực lượng các ngành công nghiệp thúc đẩy xu hướng này. “Nếu nhà sản xuất phụ thuộc vào nhiều cấp quy định ghi nhãn khác nhau, thì sẽ rất khó mà tuân thủ, đó là lý do tại sao chúng tôi đang vận động luật liên bang để được ưu tiên hơn.”
Năm 2012, các cử tri tại bang California đã được hỏi liệu thực phẩm từ GMO có nên được gắn nhãn cụ thể hay không. Sáng kiến này đã thất bại – nhưng chỉ sau khi các doanh nghiệp ủng hộ sản phẩm GMO như Monsanto, General Mills, Pepsico, DuPont, Hershey, Cargill, Kellogg, Hormel, Kraft, Mars, Goya, Ocean Spray, Nestle và các doanh nghiệp tiếp thị thực phẩm khác đã chi hàng triệu đô vào quảng cáo để thuyết phục các cử tri bỏ phiếu chống lại đạo luật dán nhãn trên thực phẩm GMO.
Những cá nhân từ một số bang và các nước tiếp tục vận động việc dán nhãn cho các sản phẩm GMO – nếu không thể cấm hoàn toàn thực phẩm biến đổi gen – nhưng ngành công nghiệp và giới khoa học khẳng định các thực phẩm này là an toàn, gắn nhãn là không cần thiết vì sẽ gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng. Chỉ có một điều chắc chắn rằng: trận chiến giữa việc ủng hộ và chống lại các cây trồng GMO và các loại thực phẩm có thành phần biến đổi gen sẽ không kết thúc một cách nhanh chóng.
Bibliography
Live Science. (2016, January 11). GMOs: Facts About Genetically Modified Food. Retrieved January 29, 2016 from http://www.livescience.com/40895-gmo-facts.html
<Lan Anh dịch>