Một loại vaccine HIV mới chứa gen nhân tạo có khả năng tạo ra phản ứng của hệ miễn dịch, hứa hẹn mang đến phương pháp mới bảo vệ con người khỏi virus HIV khi mà các phương pháp khác đều đã thất bại.
Phần lớn các vaccine hoạt động bằng cách chỉ cho các tế bào miễn dịch gọi là B-cell sản xuất ra kháng nguyên chống lại một loại virus. Một cách khác là kích thích tế bào miễn dịch T-cell tiêu diệt các tế bào bị virus lây nhiễm.
Những loại vaccine T-cell trước đây đã thất bại thảm hại do virus HIV có khả năng biến dị nhanh chóng và trốn thoát. Để giải quyết vấn đề này, Tiến sỹ Lucy Dorrell và các cộng sự tại trường Đại học Oxford đã tạo ra một gen nhân tạo bằng cách kết hợp 14 phân vùng trong bộ gen của virus HIV, những phân vùng này không có xu hướng đột biến vì nếu làm thế thì sẽ đe dọa đến sự sinh tồn của bản thân HIV. Như thế thì vaccine chỉ cần cho hệ miễn dịch biết là phải tập trung truy lùng vào các phân đoạn gen cụ thể được bảo toàn, Dorrell cho biết.
Ba mũi giáp công
Để hệ miễn dịch có thể nhận thấy gen nhân tạo này, người ta đã đưa nó vào bằng 3 vật chủ: 2 virus đã được làm suy yếu và một vòng ADN tự do gọi là plasmid. Bởi vì vaccine thường cần phải được tiêm vài lần để tạo ra phản ứng đáng kể từ hệ miễn dịch, nhóm nghiên cứu hy vọng với cách tiếp cận từ 3 hướng này sẽ làm tăng cơ hội tế bào miễn dịch T-cell đáp lại gen nhân tạo, thậm chí ngay cả khi tế bào B-cell đã nhận diện và tấn công các vật chủ này.
Rõ ràng là khi cả 3 vật chủ chứa gen nhân tạo được tiêm riêng rẽ vào người khỏe mạnh theo thứ tự cách nhau vài tuần cho đến vài tháng, cơ thể người tình nguyện đã sản sinh ra T-cell đáp ứng lại nhiều phân vùng cụ thể trong tổng số 14 phân vùng gen của HIV, một số có đáp ứng mạnh hơn số khác. Khi các T-cell này được cho tiếp xúc với chính tế bào bị nhiễm HIV của tình nguyện viên trong môi trường phòng thí nghiệm, chúng ngăn chặn quá trình nhân bản virus.
Thử nghiệm trên người
Nhóm nghiên cứu hiện tại đang hoàn thiện cách kết hợp các vật chủ chứa gen, và hy vọng sẽ bắt đầu thí nghiệm thứ hai tại Nairobi, Kenya vào tháng 3-2014. Những người có nguy cơ nhiễm HIV cao sẽ được tiêm vaccine nhằm theo dõi liệu giải pháp này có thể giúp giảm bớt tỷ lệ lây nhiễm. Những người tham gia sẽ được khuyến cáo nên tránh khỏi các nguồn lây nhiễm dù cho họ đã được tiêm vaccine hay chưa.
“Công trình này thể hiện một bước tiến đáng kể trong việc chế tạo các loại vaccine nhằm mục đích mang đến cho hệ miễn dịch khả năng tiêu diệt các tế bào bị nhiễm HIV” Giáo sư Robin Shattock từ trường Cao đẳng Imperial London chia sẻ. Steven Patterson, cũng đến từ trường Imperial London, cùng quan điểm rằng những phát hiện mới này rất hứa hẹn, nhưng những nghiên cứu sắp tới cần tập trung vào việc tăng số lượng đáp ứng từ nhiều phân vùng hơn nữa của gen nhân tạo. “Hiện tại, chúng tôi chỉ không biết là liệu sự đáp ứng cao đến một hay hai phân vùng được bảo toàn là đủ để bảo vệ hay chi phối sự lây nhiễm virus.”
(Wikipedia) HIV (Human Immunodeficiency Virus – virus suy giảm miễn dịch ở người) là một lentivirus (thuộc họ retrovirus) có khả năng gây hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải (AIDS), một tình trạng làm hệ miễn dịch của con người bị suy giảm cấp tiến, tạo điều kiện cho những nhiễm trùng cơ hội và ung thư phát triển mạnh làm đe dọa đến mạng sống của người bị nhiễm.
HIV lây nhiễm vào các tế bào quan trọng trong hệ thống miễn dịch của con người như lympho bào T có tính bổ trợ (cụ thể là những tế bào T – CD4+), đại thực bào và tế bào tua. Nhiễm HIV làm giảm mạnh số lượng tế bào CD4+ thông qua 3 cơ chế chính: đầu tiên, virus trực tiếp giết chết các tế bào mà chúng nhiễm vào, sau đó làm tăng tỷ lệ chết rụng tế bào ở những tế bào bị nhiễm bệnh, bước 3 là các lympho bào T độc (CD8) giết chết những lympho bào T – CD4+ bị nhiễm bệnh. Khi số lượng các tế bào CD4+ giảm xuống dưới một mức giới hạn nào đó, sự miễn dịch qua trung gian tế bào bị vô hiệu và cơ thể dần dần yếu đi tạo điều kiện cho các nhiễm trùng cơ hội.
<Theo NewScientist>