Một nghiên cứu mới của các nhà khoa học từ Hà Lan cho thấy một nụ hôn kéo dài 10 giây có thể truyền khoảng 80 triệu vi khuẩn vào miệng một người và những cặp đôi hôn nhau mỗi ngày từ 9 lần trở lên sẽ có hệ vi sinh trong miệng tương tự nhau.
“Khi đắm chìm trong một nụ hôn, bạn đồng thời tiếp xúc với nhiều loại vi khuẩn, nhưng chỉ một phần nhỏ trong số chúng có thể sinh sống bên trong cơ thể con người,” Remco Kort cho biết, đồng tác giả của công trình nghiên cứu, hiện nay ông đang là giáo sư chuyên ngành di truyền học vi sinh tại Đại học Amsterdam. Có khoảng hơn 1000 tỷ vi sinh vật cư ngụ bên trong và trên bề mặt cơ thể con người – được gọi chung là microbiome. Những vi khuẩn này giúp con người tiêu hóa thức ăn, tổng hợp các chất dinh dưỡng và phòng ngừa bệnh tật, hệ vi sinh này được hình thành dựa trên gen di truyền, chế độ dinh dưỡng và độ tuổi.
Tuy nhiên theo nghiên cứu được đăng tải trên tạp chí Microbiome ngày 16/11/2014, những nụ hôn cũng có thể thay đổi hệ microbiome của bạn.
Nghiên cứu này được thực hiện trên các cặp mà nhóm nghiên cứu gặp tại Sở thú Artis Royal ở Amsterdam. Nhóm nghiên cứu đã hỏi 21 cặp – trong đó có 2 cặp đồng tính nam – số lần họ hôn nhau trong năm vừa qua, và bao lâu kể từ khi họ hôn nhau lần cuối. Họ cũng dùng tăm bông quét trong miệng các cặp đôi để lấy mẫu vi khuẩn trên lưỡi của mỗi người và mẫu nước bọt để đo lường số lượng vi khuẩn có trong nước bọt trước và sau khi hôn.
Có hơn 700 loại vi khuẩn sống trong miệng người. Nhóm nghiên cứu phát hiện rằng những người thường xuyên hôn sẽ có hệ vi sinh trong miệng tương tự nhau, và vi khuẩn có trên lưỡi của những cặp đôi giống nhau nhiều hơi so với trong nước bọt.
Lưỡi, “là nơi sinh sống ưa thích của vi khuẩn, và chúng đã định cư tại đây trong suốt thời gian dài,” Kort cho biết. Ngược lại, “Nước bọt là một môi trường nhiều biến động. Tại đây, chúng ta có thể thấy hiệu quả trực tiếp của một nụ hôn, nhưng lại nhanh chóng biến mất sau đó”, Kort giải thích.
Pat Schloss, giáo sư thỉnh giảng chuyên ngành vi sinh tại Đại học Michigan, người không tham gia vào nghiên cứu này, cho biết “điều thú vị là họ đã phát hiện ra thời gian kể từ nụ hôn cuối càng ngắn, thì hệ vi sinh càng giống nhau, và bạn hôn càng nhiều trong tuần thì càng giống nhau hơn.” Tuy nhiên người ta vẫn chưa rõ việc có chung hệ microbiome liệu có ý nghĩa nào về mặt sức khỏe.
Nhóm nghiên cứu thực hiện thêm một thử nghiệm: một người trong mỗi cặp uống một ly yogurt có chứa vi khuẩn Lactobacillus và Bifidobacteria. Sau đó, cặp đôi sẽ hôn nhau trong 10 giây, nhóm nghiên cứu lấy mẫu vi khuẩn từ miệng người không uống yogurt. Kết quả là hàm lượng vi khuẩn tăng lên gấp 3 lần, đến khoảng 80 triệu con mới.
Kết quả của nghiên cứu này đã được ứng dụng vào thiết bị gọi là thước-đo-nụ-hôn tại triển lãm ở Micropia, bảo tàng vi sinh đầu tiên trên thế giới tại Amsterdam. Tại đây, các cặp đôi hôn nhau và một thiết bị cảm biến sẽ nhận dạng hình thức hôn và số lượng vi khuẩn được trao đổi qua lại giữa hai người, Kort cho biết.
<Theo Live Science>