Angelina Jolie Pitt vừa tiết lộ cô đã phẫu thuật để ngăn ung thư buồng trứng và khuyến khích phụ nữ tìm kiếm thêm các lựa chọn. Các chuyên gia cho biết có nhiều yếu tố mà phụ nữ cần cân nhắc trước khi đi đến quyết định thực hiện phẫu thuật này.
Trong một bài báo đăng trên New York Times, Jolie Pitt cho biết cô phải phẫu thuật cắt bỏ buồng trứng và ống dẫn trứng để ngăn ngừa ung thư buồng trứng. Hồi năm ngoái, nữ diễn viên đã tiết lộ cô mang trong người đột biến gen BRCA1 làm tăng cao nguy cơ ung thư vú và buồng trứng, và cô đã tiến hành phẫu thuật hai lần để ngừa ung thư vú.
Nhưng trong bào báo mới đây, Jolie Pitt viết rằng “một xét nghiệm BRCA dương tính không đồng nghĩa với phẫu thuật…. Còn có các lựa chọn khác.”
Các chuyên gia đồng tính với quan điểm cho rằng không phải ai cũng cần phải thực hiện phẫu thuật phòng ngừa.
“Mỗi một liệu pháp và phác đồ điều trị cần phải được điều chỉnh cho phù hợp với từng người,” Tiến sĩ Nathalie McKenzie cho biết, cô hiện đang là chuyên gia ung bứu phụ khoa tại UF Health Center ở Orlando Health, Florida. “Tôi nghĩ Angelina Jolie đã rất thông minh khi đề cập rất cụ thể rằng giải pháp này không dành cho tất cả bệnh nhân,” bởi vì phẫu thuật không giống như cắt một cái bánh, Mc Kenzie chia sẻ.
McKenzie cho biết những phụ nữ có tiền sử gia đình mắc ung thư hoặc những người có nguy cơ cao ung thư buồng trứng vì đột biến gen BRCA, chính là những thí sinh đầu bảng để thực hiện phẫu thuật cắt bỏ buồng trứng.
Theo số liệu thống kê của của Viện ung thư quốc gia Hoa Kỳ, cứ 400 người thì có 1 người mang đột biến BRCA. Những phụ nữ có đột biến tại gen BRCA1 (như trường hợp của Jolie Pitt) có nguy cơ 35-70% tiến triển ung thư buồng trứng trước 70 tuổi, theo Quỹ Susan G. Komen, một tổ chức phi lợi nhuận chuyên tài trợ cho các nghiên cứu về ung thư vú.
Jolie cho biết ung thư buồng trứng đã cướp đi mạng sống của mẹ cô, và cô có 50% nguy cơ mắc phải. Thực hiện phẫu thuật cắt bỏ buồng trứng có thể giảm nguy cơ ung thư buồng trứng của một người phụ nữ đến 85-90%, McKenzie chia sẻ. Theo một số nghiên cứu, tuổi tác cũng là một yếu tố cân nhắc khi một người phụ nữ thực hiện quyết định, vì người ta thấy những phụ nữ ở độ tuổi 35-40 đạt được những kết quả tốt nhất khi thực hiện phẫu thuật (Jolie Pitt hiện nay 39 tuổi). Con cái cũng là một yếu tố cần quan tâm bởi vì khi cắt bỏ buồng trứng thì đồng nghĩa với việc không thể có con được nữa. Những phụ nữ vẫn còn muốn sinh con sẽ chọn phương án hoãn phẫu thuật, McKenzie trình bày.
Bên cạnh đó, các tác dụng phụ cũng cần được đưa lên bàn cân với những lợi ích thu được. Những phụ nữ không còn buồng trứng sẽ vào giai đoạn mãn kinh có thể sớm hơn 10-20 năm so với tự nhiên. Theo một nghiên cứu vào năm 2009, mãn kinh sớm có liên quan đến tăng nguy cơ bệnh tim mạch, các vấn đề về thần kinh, chứng loãng xương và thậm chí chết sớm. Bổ sung hormone estrogen sau khi cắt bỏ buồng trứng như Jolie Pitt đang thực hiện có thể làm giảm một số nhưng không hoàn toàn các nguy cơ này.
Tuy nhiên bản thân liệu pháp thay thế hormone lại liên quan đến tăng nguy cơ ung thư vú, vì thế quyết định sử dụng hormone thay thế tại nhà sau khi phẫu thuật bỏ buồng trứng có thể khác nhau ở từng phụ nữ, phụ thuộc vào lịch sử trước đây cô ta có ung thư vú hay không, McKenzie cho hay. (Phụ nữ thường phát hiện ra đột biến BRCA sau khi thực hiện chẩn đoán ung thư vú.)
McKenzie lưu ý rằng, một nghiên cứu trong năm 2011 cho thấy trong số các phụ nữ có đột biến BRCA, những người sử dụng liệu pháp thay thế hormone đều không tăng nguy cơ ung thư vú so với những người không sử dụng liệu pháp này.
McKenzie cho biết trong những bệnh nhân được cô điều trị vì có nguy cơ ung thư buồng trứng do đột biến BRCA, phần lớn trong số họ chọn phẫu thuật cắt bỏ buồng trứng. Những người không muốn làm phẫn thuật hay muốn hoãn lại sẽ có những lựa chọn khác, bao gồm chẩn đoán ung thư buồng trứng 2 lần mỗi năm bằng cả xét nghiệm máu và siêu âm.
Một số nghiên cứu khác cho thấy sử dụng thuốc ngừa thai có thể làm giảm nguy cơ ung thư buồng trứng ở những phụ nữ có đột biến BRCA, McKenzie chia sẻ.
<Theo Live Science>