Ngoại trừ phương pháp thử ADN, những vụ truy nhận cha cho con từ các đơn sự là các bà mẹ đơn thân, không có giấy đăng ký kết hôn với người cha của đứa bé gặp rất nhiều khó khăn do không có cơ sở chứng thực việc có quan hệ huyết thống.
Vụ án nào cũng có những khó khăn riêng khi phải xét xử sao cho vừa có lý vừa có tình đặc biệt là các vụ án truy nhận cha cho con vì ngoài việc khẳng định xem người đó có phải là có quan hệ huyết thống hay không còn là trách nhiệm đối với nguồn cội một con người.
Trước hết là cái lý trong vụ án hay về mặt chuyên môn gọi là chứng cứ. Nếu trong một giao dịch dân sự bình thường nào đó, các bên có thể tiến hành công khai, minh bạch, giấy trắng, mực đen, thêm người làm chứng thì những sự vụ như thế này, thường chỉ người trong cuộc biết rõ với nhau. Nguyên nhân là phần lớn những vụ truy nhận cha cho con bắt nguồn từ một mối quan hệ oái oăm, chẳng hạn người đàn ông ngoại tình khi đang có gia đình. Đối với những vụ việc này, tòa căn cứ lời khai và các chứng cứ khác để chứng minh họ có quan hệ tình cảm như thư từ, email, hình ảnh… Tuy nhiên, từ quan hệ tình cảm để khẳng định có quan hệ tình dục để sinh ra đứa bé thì không có căn cứ nào đảm bảo.
Nếu người cha sau thời gian tranh tụng tại tòa thấy được trách nhiệm của mình hoặc một cảm nhận sâu xa nào đó về tình mẫu tử và công nhận con cùng với việc cấp dưỡng theo quy định thì vụ việc có thể khép lại một cách tốt đẹp. Ngược lại, nếu người cha (giả định) không công nhận thì tòa án phải tiến hành các giám định khoa học bắt buộc khác để làm căn cứ.
Một xét nghiệm phổ biến mà ai cũng nghĩ ngay đến là xét nghiệm ADN. Nhưng chi phí để làm thủ tục xét nghiệm là cả vấn đề lớn đối với không ít phụ nữ, nhất là những phụ nữ đơn thân đang nuôi con nhỏ, nghề nghiệp không ổn định vì ngay đến tiền nuôi con họ còn phải bươn chải từng ngày. Mặc dù chi phí xét nghiệm ADN đã giảm nhiều so với trước đây (khoảng 5 triệu) và cũng có những hỗ trợ nhất định từ các đơn vị xét nghiệm lớn nhưng việc xét nghiệm ADN cũng vẫn có thể không thực hiện được vì nhiều nguyên nhân.
Người mẹ có đủ tiền xét nghiệm ADN nhưng người cha đã “nhấn nút” biến mất
Luật sư Quỳnh Như tâm sự về một vụ truy nhận cha cho con mà đương sự trong vụ việc là người thành đạt, có học thức, sống trong một gia đình trí thức, khá giả tại Tiền Giang. Tuy nhiên, khác với những thứ anh ta đang sở hữu và thể hiện, thực chất anh ta là một người cha vô trách nhiệm. Anh ta đã biến mất ngay khi nghe tin có một đứa trẻ đang tượng hình mang huyết thống của mình. Cô gái trong hoàn cảnh đó một mình sinh con, nuôi nấng và quyết tâm tìm cha cho con.
Nhìn lại, cô cho rằng đó là một thủ đoạn vì người tình giấu nhẹm tất cả, không chịu chụp bất kỳ tấm ảnh chung nào và bỏ việc ngay khi cô thông báo có thai để lẩn trốn. Qua nhiều khó khăn, cô đã tìm được thông tin gia đình cha của con mình. Cô đã đến nơi xin gia đình khuyên lơn để cha bé nhận con nhưng gia đình vẫn cứ trốn tránh trách nhiệm và giấu bặt thông tin con mình. Họ chỉ gửi cho cô vài hộp sữa nuôi cháu rồi sau đó lại thôi.
Ngay cả trong trường hợp tìm ra người cha, có người còn không chịu thử ADN. Lúc đó, mọi thứ lại không thể giải quyết được vì luật không quy định trong trường hợp này phải xử lý như thế nào. Tòa không thể buộc họ phải phối hợp để xét nghiệm.
Trường hợp người cha đã mất, chuyện truy nhận lại càng nhiêu khê
Trong một vụ hai người con xin truy nhận cha tại TP HCM, người cha đã mất, anh chị em của người này thì trước sau luôn khăng khăng chối bỏ và từ chối kiểm tra ADN. Vị chủ tọa phiên tòa hôm đó đã đặt một câu hỏi khiến cả khán phòng im bặt.
Ông nói với một người chú: “Khỏi cần giám định ADN, ông nhìn thử xem dáng vóc, hình thể của họ có giống người nhà ông không? Ông hỏi thử những người ở phiên tòa này xem người ta nói thế nào?”
Sau những vất vả, gian nan, người mẹ có thể hoàn tất thủ tục nhận lại cha cho con, để con có một người cha trên giấy khai sinh, để con có một tờ giấy khai sinh bình thường như bao đứa trẻ khác nhưng còn một người cha thật sự để yêu thương, chăm lo cho con thì vẫn là một ước mơ xa vời.
Nhiều người chắc sẽ trách người mẹ của những đứa con không được thừa nhận vì đã sinh con ra nhưng lại không cho con một mái ấm yêu thương thật sự. Họ trách cũng đúng nhưng dù có lầm lỗi như thế nào về mặt đạo đức xã hội thì hiện tại họ vẫn là người chăm lo, nuôi dưỡng những đứa trẻ, có thể chúng đầy đủ vật chất hoặc không nhưng ít nhất là đứa bé không thành một đứa trẻ mồ côi trong các trại trẻ. Còn người đàn ông của họ, sau lỗi lầm của mình, nếu có trách nhiệm thì còn chăm nuôi, cấp dưỡng còn không thì bỏ mặc tình thân, không cần biết những đứa trẻ ấy lớn lên thế nào.
Là người, ai cũng cần biết nguồn, biết cội
Khi có mặt tại một phiên xét xử, lòng tôi nhói đau khi nghe câu hỏi từ một người ở hàng ghế xét xử: “Sao lúc cha còn sống, cô không yêu cầu truy nhận cha? Bây giờ cha cô chết rồi, cô đòi nhận cha có phải vì muốn quyền thừa kế hay không?”
Không luống cuống như những câu trả lời khác, cô gái ở phía bên yêu cầu truy nhận cha trả lời rõ ràng, rành mạch, nhưng giọng nói có phần uất nghẹn: “Tôi là đứa con sinh ra không có cha. Đến khi lớn lên, tôi phải lén lút gặp cha mà không được công khai như người khác. Giờ cha tôi chết rồi, tôi cũng muốn được xem ông là cha, được thờ cúng như một người con. Con người ai cũng cần biết nguồn, biết cội, biết cha, biết mẹ mà”.
Luật sư Đinh Thị Quỳnh Như
<Theo Pháp luật TP.HCM>