Người cha từ chối thử ADN để xác định quan hệ huyết thống cũng như mọi trách nhiệm liên quan, người mẹ đơn thân phải nhờ đến sự can thiệp của luật pháp để đòi lại tên cha cho con trong giấy Khai sinh và quyền cấp dưỡng.
Vào trung tuần tháng 10, một phiên toà đã diễn ra tại Toà án nhân dân Thành phố Huế với sự có mặt của chỉ bên nguyên đơn cùng với cô con gái nhỏ đang ngồi trong lòng người mẹ. Dưới hàng ghế dự khán trống vắng đến lạ lùng, như câu chuyện truân chuyên của cuộc đời chị.
Theo lời kể của bên nguyên đơn, chị đã gặp và yêu người đồng nghiệp dạy cùng khoa khi chị bắt đầu công tác giảng dạy tại Đại học Sư phạm Huế. Anh chị đã công khai tình cảm với nhau sau một năm tìm hiểu, bất chấp sự phản đối kịch liệt của gia đình anh bởi vì chị là dân tỉnh khác. Mẹ anh muốn con dâu của bà phải là người gốc Huế, vì bà cho rằng chỉ có con gái Huế mới đảm đang và tháo vát.
Sự ngăn cấm của gia đình đã không thể ngăn hai trái tim yêu đến với nhau, và chị đã có thai như một minh chứng cho tình yêu của hai người. Anh và chị đã đặt hy vọng rất nhiều, đứa bé sẽ là cầu nối tình cảm với gia đình anh. Nhưng chị lại tiếp tục bị từ chối khi đến xin phép gia đình anh làm lễ cưới với giấy khám thai trên tay. Gia đình anh vẫn kiên quyết nói không, và không quan tâm đến số phận và tương lai của đứa cháu trong bụng chị.
Tuyệt vọng, cùng quẫn, cô đơn, đã có lúc chị nghĩ đến con đường giải thoát khỏi hoàn cảnh trớ trêu này, nhưng sợi dây tình cảm mẹ con đã giữ chị lại và tiếp thêm sức mạnh để chị vượt cạn một mình và hạ sinh một cô công chúa kháu khỉnh trong căn phòng tập thể của nhà trường.
Sau khi đứa bé chào đời, người cha không một lần đến thăm cũng như thừa nhận mối quan hệ ruột thịt. Vì thương con và lo cho tương lai của bé, muốn cho bé có đủ tên cả cha và mẹ trong giấy khai sinh, chị đã cố gắng thuyết phục anh đến phường làm giấy cho con. Anh đã từ chối. Cuối cùng, không còn cách nào khác chị quyết định phải nhờ đến Tòa án xác nhận tên cha cho con và yêu cầu tiền cấp dưỡng hàng tháng.
Gần đến ngày diễn ra phiên tòa, anh đã viết đơn xin vắng mặt đồng thời từ chối thử ADN cha con và vẫn một mực phủ nhận mọi mối quan hệ huyết thống với đứa bé.
Theo Chủ tọa phiên tòa, anh đã hai lần được triệu tập đến Trung tâm Giám định pháp y để làm giám định ADN nhưng đều vắng mặt cả hai. Tòa cũng đã gởi công văn đến cơ quan anh công tác để nhờ sự hỗ trợ, nhưng vẫn chưa nhận được sự hợp tác từ cha đứa bé. Phiên toà đã diễn ra chóng vánh vì sự vắng mặt của phía bị đơn.
Sau thời gian nghị án, đơn khởi kiện của người mẹ được Hội đồng xét xử chấp thuận. Toà ra phán quyết công nhận anh là cha hợp pháp của đứa bé và yêu cầu tiền trách nhiệm cấp dưỡng mỗi tháng 1,5 triệu đống cho đến năm đứa bé đủ 18 tuổi.
Nước mắt lưng tròng bước ra khỏi phòng xét xử, chị chia sẻ: “Dù anh ấy không nhận con nhưng tôi vẫn nhiều lần chỉ cho con biết anh là bố. Vì vậy, mỗi lần thấy anh, đứa bé liền chạy đến. Nhưng anh luôn né tránh, trừng mắt, dọa nạt. Từ đó, mỗi lần đứa nhỏ theo tôi đến trường, nó chỉ dám đứng xa xa để nhìn cha mà không dám lại gần”.
Gạt hai hàng nước mắt ngân ngấn, chị tất tả bước ra khỏi sân tòa với gánh nặng nuôi con một mình đè nặng trên vai.
Quyền được nhận cha, mẹ, con
Điều 43 Bộ luật dân sự quy định: “Người không được nhận là cha, mẹ hoặc là con của người khác có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác định mình là cha, mẹ hoặc là con của người đó.”
Trong trường hợp này, nếu đứa bé thực sự là con của người cha thì người mẹ đơn thân đã làm đúng luật khi đến Tòa án cấp tỉnh thuộc nơi cư trú để giải quyết. Phương pháp xét nghiệm ADN huyết thống trong những trường hợp này là cần thiết để xác định đúng mối quan hệ cha con.
<Theo VnExpress>