Bạn không thể thay đổi gen của mình, nhưng có thể thay đổi hành vi của bản thân, đúng không? Vâng, một nghiên cứu mới đây cho thấy những người có nguy cơ cao mắc các bệnh như ung thư phổi hay bệnh tim sau khi có kết quả xét nghiệm thì dường như không thay đổi các hành vi liên quan đến sức khỏe của họ.
Ở Anh, các nhà nghiên cứu thấy rằng, việc cung cấp thông tin dự báo nguy cơ mắc các bệnh như tiểu đường, ung thư phổi, ung thư da hay bệnh tim, thì có rất ít hoặc không có tác động đến các hành vi liên quan đến sức khỏe của họ, theo nghiên cứu được đăng tải trên tạp chí The BMJ ngày 15 tháng 3.
Nghiên cứu cho thấy kết quả xét nghiệm di truyền không là yếu tố làm chúng ta thay đổi các thói quen sống hằng ngày, đặc biệt là việc từ bỏ thuốc lá hay việc tập luyện thể dục thường xuyên.
Ví dụ, những người hút thuốc lá mà được chẩn đoán di truyền có nguy cơ cao mắc ung thư phổi thì không thay đổi việc dừng hút thuốc so với những người chỉ được nói là có nguy cơ cao mắc ung thư phổi. Việc cảnh báo đàn ông và phụ nữ ở độ tuổi trung niên về nguy cơ cao mắc bệnh tiểu đường cũng không khuyến khích được họ bắt đầu việc tập luyện thể dục thường xuyên.
Theo Giáo sư Theresa Marteau, người đứng đầu nghiên cứu và là giáo sư nghiên cứu sức khỏe và hành vi tại Đại học Cambridge, nước Anh, phát hiện trên không có gì bất ngờ. Những nghiên cứu khác cũng cho thấy thông tin được truyền đạt về nguy cơ mắc bệnh có tác động rất nhỏ đến các hành vi sức khỏe được đánh giá trong nghiên cứu cụ thể là hút thuốc, không vận động thể chất và chế độ ăn uống.
Các nhà nghiên cứu phân tích dữ liệu thu thập từ 18 nghiên cứu khác nhau với hơn 6,100 người trưởng thành ở độ tuổi 30-56. Nghiên cứu tiến hành trên 1 nhóm người tham gia được nhận dữ liệu ADN về nguy cơ mắc bệnh và nguy cơ có thể giảm nếu thay đổi thói quen, so sánh với nhóm thứ hai không được biết nguy cơ mắc bệnh từ xét nghiệm di truyền.
Xét nghiệm di truyền cá nhân
Các công ty cung cấp “thuốc cá nhân” hay bán các dịch vụ xét nghiệm di truyền có thể nói với người tiêu dùng rằng những kết quả này có thể làm thay đổi hành vi và mang lại lợi ích cho sức khỏe cho họ.
Nhưng nghiên cứu gần đây thì không phải như vậy.
Theo Marteau, lý do có thể là con người không có động lực thay đổi các thói quen để làm giảm nguy cơ của các mối đe dọa lâu dài, chẳng hạn như sự phát triển bệnh tiểu đường trong 10 năm tới.
Cô nói thêm rằng, một lý do khác khiến việc dự báo nguy cơ không có tác động nhiều bởi vì các hành vi cần thay đổi thì thường là các thói quen, ví dụ như ăn bánh ngọt với cafe, và chúng dễ lặp lại vì con người sống trong môi trường với nhiều nguồn cung cấp bánh ngọt và café giá rẻ.
“Thông tin không phải là công cụ hữu hiệu để thay đổi hành vi,” Marteau chia sẻ.
Kết quả từ nghiên cứu cho thấy không có chứng cứ ủng hộ việc sử dụng xét nghiệm di truyền cá nhân để thay đổi hành vi con người nhằm ngăn chặn các bệnh phổ biến, phức tạp như tiểu đường, bệnh tim và một số dạng ung thư.
Thay vì dựa vào thông tin để thay đổi hành vi con người trên quy mô lớn để ngăn ngừa các bệnh mãn tính, một cách tiếp cận khác hiệu quả hơn là thay đổi các điều kiện môi trường sống để các hoạt động lành mạnh dễ xảy ra.
Ví dụ, đóng gói thuốc lá trong các bao bì đơn giản để loại bỏ các hình ảnh thu hút trẻ em, phục vụ bia trong ly thẳng thay vì ly cong để giảm tốc độ và số lượng tiêu thụ, và đặt thức ăn trên các dĩa nhỏ để giảm lượng thịt tiêu thụ.
Tuy nhiên, mặc dù thông tin từ kết quả xét nghiệm di truyền có ít hiệu quả trong việc thay đổi các hành vi liên quan đến sức khỏe, nhưng nó cũng có một số lợi ích khác.
Kết quả xét nghiệm có vai trò trong việc phân chia dân số với các mức độ nguy cơ, những người có nguy cơ cao được cung cấp các biện pháp điều trị, ví dụ như phẫu thuật hoặc dùng thuốc hay các lần kiểm tra thường xuyên để giảm thiểu nguy cơ.
Các kết quả xét nghiệm ADN cũng có thể được dùng làm tài liệu bổ sung phục vụ cho các chương trình thay đổi hành vi hiệu quả, ví dụ như chương trình cai nghiện thuốc lá sử dụng kết hợp giữa chiến lược hành vi và dược lí, và các chương trình giảm cân phổ biến như chương trình Weight Watchers.
Người ta thấy các bộ dụng cụ xét nghiệm gen và có thể muốn mua chúng để tìm hiểu nguy cơ mắc bệnh, vài người khác có thể mua với ý nghĩ sẽ thay đổi thói quen của họ.
Nhưng người tiêu dùng nên hiểu là các bằng chứng khoa học cho thấy chúng ta có thể hoặc không thể thay đổi hành vi của mình mà không cần trải qua xét nghiệm di truyền.
Bibliography
Live Science. (2016, March 15). Genetic Tests Results: Do They Change Your Behavior?. Retrieved March 16, 2016 from http://www.livescience.com/54062-genetic-tests-results-dont-change-your-behavior.html/
<Thu Hà dịch>