Một sinh vật biến đổi gen, hoặc GMO (Genetically Modified Organism), là một sinh vật có ADN bị thay đổi hoặc biến đổi một cách nào đó thông qua kỹ thuật di truyền. Trong hầu hết các trường hợp, các sinh vật biến đổi gen bị chỉnh sửa bằng ADN từ sinh vật khác, có thể là một loại vi khuẩn, thực vật, vi rút hoặc động vật; những sinh vật này đôi khi được gọi là sinh vật “mang gen biến đổi”.
Ví dụ, một gen từ nhện giúp các loài thuộc lớp nhện sản xuất ra tơ, gen này có thể được chèn vào ADN của một con dê bình thường. Điều này nghe có vẻ xa vời, nhưng đó chính xác là quá trình được sử dụng để nuôi dê sản xuất protein sợi có trong sữa. Sau khi thu hoạch sữa, người ta tách sợi protein có trong sữa để làm ra một loại sợi nhẹ và siêu bền được sử dụng rộng rãi trong công nghiệp và y tế.
Thực phẩm biến đổi gen
Phạm vi của GMO có thể làm bạn giật mình. Các nhà di truyền học đã nhân giống lợn GMO có thể phát sáng trong bóng tối bằng cách chèn vào ADN của nó một gen phát quang sinh học từ con sứa. Cà chua được phát triển để chịu được băng giá và nhiệt độ thấp với các gen chống đông lạnh từ một loài cá nước lạnh, cá bơn mùa đông (Pseudopleuronectes americanus). FDA gần đây đã phê chuẩn khoai tây không thâm và táo không bị hóa nâu. Những trái táo đã được biến đổi gen để làm giảm mức độ của các enzyme có thể gây ra màu nâu hoặc thâm tím.
Theo National Library of Medicine (Thư viện Y học quốc gia) thực phẩm biến đổi gen có gen ngoại lai (gen từ thực vật hoặc động vật khác) đưa vào mã di truyền của chúng. Lợi ích tiềm năng là thực phẩm ngon hơn, bổ dưỡng hơn và có khả năng kháng lại bệnh tật và hạn hán.
Thư viện Y học quốc gia cũng liệt kê một số rủi ro tiềm tàng, bao gồm các biến đổi gen có thể gây hại và sinh vật biến đổi gen có thể lai với những sinh vật tự nhiên, từ đó có thể dẫn đến sự biến mất của giống thuần chủng.
Đến nay, công nghệ biến đổi gen đã được ứng dụng với quy mô lớn đối trên các loại cây trồng nông nghiệp: Ít nhất 90% đậu nành, bông, hạt cải dầu, bắp và củ cải đường được bán tại Mỹ đã được biến đổi gen. Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ, diện tích trồng giống bắp kháng thuốc diệt cỏ đã tăng nhanh chóng, đạt 89% tổng diện tích bắp của Mỹ trong năm 2014 và trong năm 2015.
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), phương pháp phổ biến để kết hợp tính kháng sâu bệnh vào cây là sử dụng gen sản xuất độc tố từ vi khuẩn Bacillus thuringiensis (Bt). Cây trồng được trang bị gen Bt đã chứng minh khả năng chống lại côn trùng gây hại, do đó làm giảm nhu cầu phun thuốc trừ sâu tổng hợp trên quy mô rộng.
GMO có an toàn không?
Có hai quan điểm rất khác nhau khi đề cập đến sức khỏe và sự an toàn của thực phẩm biến đổi gen – những người đứng đầu ngành công nghiệp và các nhà khoa học ủng hộ GMO và những người tin GMO là có hại.
Phát ngôn của các nhà hoạt động phản đối GMO – gọi thực phẩm biến đổi gen như “Frankenfoods” – cho rằng GMO có thể gây thiệt hại môi trường và nhiều vấn đề sức khỏe cho người tiêu dùng
Một tổ chức phản đối GMO là Center for Food Safety (Trung tâm Thực phẩm an toàn), gọi kỹ thuật biến đổi gen của thực vật và động vật là “một trong những thách thức môi trường lớn nhất và khó khăn của thế kỉ 21.”
Mary Vandewiele, đồng sở hữu The better health store (Cửa hàng sức khỏe tốt hơn), một chuỗi 14 cửa hàng định hướng sức khỏe, nói rằng ảnh hưởng dài hạn của GMO vẫn chưa thể xác định được. “Trong văn chương, khoa học và thần thoại đều mơ hồ và có thể hoán đổi cho nhau. GMO rõ ràng đã ảnh hưởng đến ngành công nghiệp thực phẩm của chúng ta, nhưng đến mức độ nào và về lâu dài ra sao thì vẫn chưa rõ ràng, đó chính là vấn đề.”
“Thực phẩm biến đổi gen có liên quan đến các phản ứng nhiễm độc và dị ứng, ốm đau, gia súc vô sinh và chết, làm tổn hại hầu như mọi cơ quan động vật trong phòng thí nghiệm”, theo Institute for Responsible Technology, một nhóm của các nhà hoạt động phản đối GMO.
“Hầu hết các quốc gia phát triển đều không cho là GMO an toàn”, theo Non-GMO Project (Dự án không biến đổi gen). “Trong hơn 60 quốc gia trên toàn thế giới, bao gồm Úc, Nhật Bản và tất cả các nước trong Liên minh Châu Âu, có những giới hạn nghiêm trọng hay cấm triệt để việc sản xuất và bán các sản phẩm GMO.”
Tuy nhiên, nhiều tổ chức khoa học tin rằng nỗi lo sợ về thực phẩm biến đổi gen do cảm xúc hơn là thực tế. “Thực vậy, khoa học rất rõ ràng: cải tiến cây trồng bằng các kỹ thuật hiện đại của sinh học phân tử là an toàn”, American Association for the Advancement of Science – AAAS (Hiệp hội vì sự tiến bộ của khoa học Hoa Kỳ) cho biết trong một tuyên bố năm 2012.
“Tổ chức y tế thế giới, Hiệp hội y khoa Mỹ, Viện hàn lâm quốc gia Hoa Kỳ về khoa học, Tổ chức xã hội hoàng gia Anh, và các tổ chức uy tín khác đã xem xét những bằng chứng để đi đến cùng kết luận: Tiêu thụ các thực phẩm có thành phần từ cây trồng biến đổi gen không rủi ro hơn so với các thực phẩm cùng loại có thành phần từ cây trồng biến đổi bằng các kỹ thuật cải tiến thông thường,” theo AAAS.
Những ngưởi khác chỉ ra lợi ích của cây trồng khỏe mạnh hơn cùng với năng suất cao hơn. “Cây trồng biến đổi gen có thể cải tiến năng suất cho người nông dân, giảm dựa vào tài nguyên thiên nhiên và các loại nhiên liệu hóa thạch và cung cấp nhiều lợi ích về dinh dưỡng”, theo một thông báo trên website của Monsanto, nhà sản xuất GMO lớn nhất thế giới.
Bibliography
Live Science. (2016, January 11). GMOs: Facts About Genetically Modified Food. Retrieved January 29, 2016 from http://www.livescience.com/40895-gmo-facts.html
<Lan Anh dịch>