X

Cha mẹ “biết ăn” đẻ con thiên tài

Chế độ dinh dưỡng tốt có đủ 7 màu. Ảnh: 9iolo.com

Có câu nói rằng, bạn là chính những gì bạn ăn vào, và các nhà khoa học đã phát hiện ra bạn còn là những gì cha, mẹ, ông bà, ông cố hấp nạp vô cơ thể. Tương tự, con bạn sẽ thừa hưởng những thành quả do lối sống của bạn, cả tốt và xấu, chúng có thể trở thành thiên tài hay mang nguy cơ mắc bệnh nan y như tiểu đường và tim mạch.

Chế độ ăn hàng ngày, tốt hay không tốt, có thể tác động đến trạng thái tự nhiên của ADN trong một con người, và những thay đổi này có thể truyền đến đời sau. Mặc dù giả thuyết này đã có từ nhiều năm nay, cho đến bây giờ hai nhóm nghiên cứu độc lập mới phát hiện ra cách thức mà điều này có thể xảy ra.

Kết quả nghiên cứu, liên quan đến di truyền học biểu sinh (Epigenetics), có thể giúp lý giải nguy cơ mắc các bệnh di truyền như tiểu đường và béo phì ngày càng tăng cao ở trẻ so với thế hệ cha mẹ.

Điều cốt lõi là thói quen ăn uống tốt sẽ tác động tích cực đến con cái bạn, và ngược lại thói quen xấu có thể hủy diệt thế hệ sau mà không cần biết là chúng có tích cực ăn uống tốt như thế nào đi nữa.

Epigenetics – Di truyền học biểu sinh

Di truyền học biểu sinh hay “ngoại di truyền” nhằm chỉ những biến đổi trong biểu hiện của gen do các tác động từ bên ngoài. Khác với đột biến gen, những thay đổi của biểu hiện gen không nằm ở ADN mà ở môi trường xung quanh, đó là các enzyme và hoạt chất hóa học điều phối hoạt động của một phân tử ADN trong việc phân tách các đoạn để tạo thành protein hay thậm chí tế bào mới.

Các nghiên cứu gần đây cho thấy chế độ dinh dưỡng ảnh hưởng rất khác nhau đến sức khỏe và biểu hiện bên ngoài của các con chuột được nhân bản. Nhóm nghiên cứu dẫn đầu bởi Randy Jirtle từ Đại học Duke đã minh họa bằng cách cấy các phôi chuột được nhân bản vô tính vào các chuột mẹ khác nhau. Kết quả thu được là các chuột con sinh ra có sự khác nhau lớn về màu lông, cân nặng, và nguy cơ mắc các bệnh mãn tính tùy thuộc vào chế độ dinh dưỡng của chuột mẹ trong thời gian mang thai.

Điều này chứng tỏ chế độ dinh dưỡng đầy đủ hay suy dinh dưỡng đã làm thay đổi môi trường xung quanh ADN, làm cho cùng một ADN trên các phiên bản chuột vô tính lại có biểu hiện rất khác nhau.

Kết quả trên chuột và người

Dựa trên kết quả của Đại học Duke, một nghiên cứu mới dẫn đầu bởi Torsten Plösch từ Đại học Groningen, Hà Lan, đã vạch rõ chế độ dinh dưỡng tác động đến yếu tố “ngoại di truyền” của nhiều loài thú, trong đó có cả con người bằng nhiều cách. Công trình nghiên cứu với người đứng đầu là Josep C. Jiménez-Chillarón từ Bệnh viện nhi Sant Joan de Deu, Tây Ban Nha, đã được gởi cho tạp chí Biochimie. Nhóm nghiên cứu cho biết chế độ ăn uống của người trưởng thành gây ra các thay đổi trong tất cả các tế bào – thậm chí cả tinh trùng và trứng – và những thay đổi này có thể sẽ được để lại cho thế hệ sau.

Thí nghiệm ngoại di truyền trên chuột. Ảnh: Docsachysinh.com

Người ta đã biết những ảnh hưởng này trên một thế hệ tiếp theo. Những đứa trẻ có mẹ sống trong nạn đói Hà Lan vào cuối Thế chiến thứ hai dễ bị mắc nhiều chứng bệnh khi lớn lên, ví dụ như chứng không dung nạp đường và các bệnh tim mạch, phụ thuộc vào thời điểm và khoảng thời gian thiếu thốn thực phẩm trong thai kỳ.

Vào năm 2010, Jiménez-Chillarón và các cộng sự đã phát hiện thêm rằng ở những chú chuột con được cho ăn quá mức có dấu hiệu phát triển của các triệu chứng rối loạn nội tiết – kháng insulin, béo phì và không dung nạp đường – và để lại một vài di chứng cho đời con. Ở thế hệ chuột kế tiếp, những thừa hưởng từ bố mẹ phát triển thành các thành phần của chứng rối loạn nội tiết mà không cần đến chế độ ăn quá mức như thế hệ trước.

Tuy nhiên Jiménez-Chillarón cho LiveScience biết nhóm nghiên cứu vẫn chưa tìm ra phương thức những thông tin này được lưu giữ qua các thế hệ. Khác với đột biến gen, những thông tin tác động đến biểu hiện gen của môi trường ADN sẽ bị lãng quên khi một tế bào phôi mới hình thành bắt đầu phân chia. Jiménez-Chillarón cho biết “Có một nguyên lý là tất cả dấu vết của tác động biểu hiện gen bị xóa sạch trong quá trình phân bào. Tuy nhiên nghiên cứu của chúng tôi cũng như các đồng nghiệp khác, đã đặt ra giả thuyết là điều này không hoàn toàn đúng. Mặc dù phần lớn các thông tin “ngoại di truyền” đều bị xóa, nhưng có một ít được giữ lại mà không rõ nguyên do.”

Tác động lên ADN

Công trình nghiên cứu thứ hai, dẫn đầu bởi Ram B. Singh từ Viện nghiên cứu TsimTsoum Institute tại Krakow, Ba Lan, được đăng tải trên số tháng 11 Tạp chí Physiology and Pharmacology của Canada, đã xem xét các dưỡng chất có ảnh hưởng lên chất nhiễm sắc. Nhóm nghiên cứu giả thuyết rằng bên cạnh việc tạo ra các thông tin “ngoại di truyền”, các chất dinh dưỡng này còn có thể gây nên đột biến gen, cả có lợi và có hại. Tuy nhiên vẫn chưa có chứng cứ thuyết phục.

Cha mẹ có thói quen ăn uống lành mạnh sẽ để lại kết quả tốt cho con cháu. Ảnh: 9iolo.com

Vào năm 2011, các nhà khoa học đến từ Đại học Stanford đã đăng một bài nghiên cứu trên tạp chí Nature về những phát hiện liên quan khi họ khám phá ra các tác động tích cực của chế độ dinh dưỡng lên tuổi thọ của 3 thế hệ trùn C. elegans. “Nếu cha và mẹ ăn nhiều axit béo omega-3, choline, betaine, axit folic và vitamin B12 sẽ có thể tác động đến trạng thái của chất nhiễm sắc và đột biến gen, cũng như những ảnh hưởng tích cực khác… từ đó sinh ra “đứa con siêu phàm” có tuổi thọ cao và nguy cơ thấp mắc bệnh tiểu đường, rối loạn chuyển hoá. Đây chỉ là một trong những khả năng có thể xảy ra, còn cần phải được chứng minh bằng nhiều thí nghiệm.” Singh chia sẻ với Live Science.

Cả hai nhóm nghiên cứu đều cho biết những tế bào ở giai đoạn đầu của quá trình phát triển dễ bị tác động bởi các yếu tố “ngoại di truyền” từ dưỡng chất hơn là các tế bào trưởng thành, do đó những biến đổi này thể hiện rõ ràng nhất ở phôi thai và trẻ sơ sinh. Tuy nhiên vấn đề còn lại chỉ là thời gian cho đến lúc có chứng cứ thuyết phục cho thấy cách thức mà chúng ta để lại cho thế hệ con cháu những kết quả từ chính chế độ dinh dưỡng và thói quen ăn uống.

Di truyền học biểu sinh hay ngoại di truyền. Ảnh: Alamy

(Docsachysinh.com) Epigenetics là một khái niệm đã được đề xuất từ thập kỉ 40 của thế kỉ XX bởi C.H. Waddington nhằm khảo sát hiện tượng biến đổi biểu hiện gene mà không do tác động của sự thay đổi hóa học của chuỗi DNA trong bộ gene. Thuật ngữ epigenetics bao gồm epi- (επί – ở trên hay ở ngoài) với genetics cho thấy toàn thể tiến trình diễn ra ở ngoài chuỗi DNA và dĩ nhiên không có sự biến đổi nào trong DNA của bộ gene.

Từ thế kỉ XIX, người ta đã nhận thấy sự dồi dào thực phẩm trong một mùa bội thu có thể gây sự béo phì cho thế hệ sau mặc dù ở thế hệ sau không có những mùa bội thu tương tự. Hiện tượng này sau đó được biết là do thực phẩm, nhất là các nhóm methyl, SH-, acetyl trong thực phẩm đã gây ra sự biến đổi trong việc biểu hiện các gene có thể gây béo phì. Sự biến đổi trong thế hệ này do các yếu tố ngoại lai gây ra trên sự biểu hiện gene, có thể truyền sang những thế hệ sau. Vấn đề hiện nay thế giới phải đối mặt về vấn nạn béo phì không phải là do dinh dưỡng thừa ở thế hệ hiện tại mà do sự tích lũy các biến đổi biểu hiện gene về mặt epigenetic được di truyền từ những thế hệ trước

<Theo Live Science>

Annie Nguyễn:
Có thể bạn quan tâm