X

Bệnh tự kỷ ở trẻ liên quan đến tuổi của bố

Bệnh tự kỷ ở trẻ có nguồn gốc từ tuổi của bố. Ảnh: Shutterstock

Những ông bố đang dự định có con có thể sẽ muốn theo dõi sát sao đồng hồ sinh học của mình: Một công trình nghiên cứu đang được thực hiện cho thấy trẻ em có bố lớn tuổi sẽ có nguy cơ cao mắc các bệnh thần kinh và gặp nhiều vấn đề trong quá trình học tập so với các trẻ em khác.

Trong một nghiên cứu mới đây, người ta phát hiện rằng các nguy cơ mắc bệnh tự kỷrối loạn tăng động giảm chú ý có thể tăng lên nhiều hơn so với ước tính trước đây.

Nhóm nghiên cứu đã khảo sát dữ liệu sức khỏe của tất cả mọi người sinh tại Thụy Điển từ năm 1973 đến 2001 (có hơn 2,6 triệu trẻ em), sau đó so sánh tỷ lệ có nguy cơ mắc những bệnh về thần kinh ở các em có bố lớn tuổi so với các em có bố trẻ hơn. Kết quả so sánh bao gồm cả giữa anh em ruột và họ hàng.

Khi được so sánh với các bạn đồng trang lứa có bố ở độ tuổi 20-24, các em có bố ở độ tuổi 45 hoặc già hơn tiềm ẩn nguy cơ cao hơn 3,5 lần mắc bệnh tự kỷ và 13 lần đối với bệnh rối loạn tăng động giảm chú ý cũng như gấp 24 lần ở chứng rối loạn cảm xúc lưỡng cực.

Theo bài nghiên cứu đăng trên tạp chí JAMA Psychiatry ngày 26/02/2014 cho thấy các em có bố lớn tuổi cũng có nguy cơ cao hơn với chứng rối loạn tâm thần, muốn tự tử, lạm dụng chất gây nghiện, ở lại lớp và thành tích học tập kém.

Giáo sư Brian M. D’Onofrio

“Kết quả nghiên cứu này cần được thông tin rộng rãi đến các cặp vợ chồng, bác sĩ và toàn xã hội để mọi người cân nhắc những mặt có lợi và có hại khi trì hoãn sinh con,” giáo sư tâm lý học Brian D’Onofrio tại Đại học Indiana đồng thời là nhà nghiên cứu công trình này chia sẻ.

“Không phải tất cả trẻ em có bố lớn tuổi đều sẽ mắc những triệu chứng này, tuy nhiên kết quả này sẽ đóng góp vào công trình nghiên cứu cho thấy tuổi tác có liên quan đến một vài triệu chứng hiếm gặp nhưng lại rất nghiêm trọng. Hơn nữa, nghiên cứu của chúng tôi cho thấy thực tế là tỷ lệ tăng nguy cơ là lớn hơn rất nhiều so với dự đoán,” D’Onofrio cho Live Science biết.

Tuổi tác và tinh trùng

Trong quá khứ giới nghiên cứu và các bác sĩ tâm lý đã tập trung vào mối liên quan giữa tuổi tác của người mẹ và việc sinh nở. “Chỉ mới gần đây người ta mới bắt đầu chú ý đến tuổi tác của người bố,” D’Onofrio cho biết.

Trong khi phụ nữ có đầy đủ buồng trứng từ lúc sinh ra thì đàn ông sản xuất tinh trùng liên tục, và như thế thì đàn ông tuổi càng lớn tuổi thì càng có nguy cơ sản xuất ra những tinh trùng mang đột biến gen. Những đột biến này sau đó được chuyển sang con cái mà không ảnh hưởng đến người bố. Điều này giải thích sự liên quan giữa tuổi tác người bố và nguy cơ mắc các triệu chứng có mối liên hệ với các đột biến mới ở con cái như chứng tự kỷ và tăng động giảm chú ý.

Theo một nghiên cứu công bố hồi năm ngoái trên tạp chí Nature, người ta ước tính rằng một người đàn ông 36 tuổi cho con mình số lượng đột biến gen gấp 2 lần người 20 tuổi, và người bố 50 tuổi cho nhiều hơn 4 lần.

Cơ chế di truyền đóng góp khoảng 90% khả năng gây bệnh tự kỷ ở trẻ em. Ảnh: Dreamstime

Một số nghiên cứu trước đây đã phát hiện ra mối liên hệ giữa tuổi tác cao ở người cha và các bệnh thần kinh hay sự phát triển các chứng rối loạn ở trẻ. Tuy nhiên, người ta vẫn chưa thể xác định rõ liệu đây có phải là do đặc điểm cá nhân, yếu tố di truyền, hay các tác động môi trường đứng phía sau sự liên quan này, bởi vì phần lớn các nghiên cứu được thực hiện dựa trên các so sánh giữa các em có bố trẻ tuổi và các em khác có bố lớn tuổi, giữa các em không có mối liên hệ gì với nhau.

“Giống như so sánh giữa cam và táo. Đàn ông có con khi trẻ tuổi có thể sẽ rất khác so với khi họ làm cha ở độ tuổi già hơn,” D’Onofrio giải thích.

Trong nghiên cứu mới này, người ta thực hiện việc so sánh giữa các anh chị em ruột được sinh lúc bố còn trẻ và khi bố già đi. Điều này giúp giải thích các yếu tố tương đồng giữa anh chị em ruột như do gen và tác động môi trường.

Cùng một gia đình

Nhóm nghiên cứu cũng thực hiện việc so sánh giữa đứa trẻ được sinh đầu tiên với anh chị em họ đầu tiên có bố ở độ tuổi khác nhằm giải thích khả năng do thứ tự chào đời. “Chúng tôi phát hiện rằng dù phân tích dữ liệu theo cách nào đi nữa thì cũng đến cùng một kết luận,” D’Onofrio trình bày.

Tuổi của mẹ cũng được xem xét và cho thấy trẻ em có mẹ lớn tuổi sẽ tăng cao nguy cơ mắc chứng tự kỷ, tăng động giảm chú ý và rối loạn lưỡng cực. Tuy nhiên, sinh nở tuổi cao lại có liên quan đến việc giảm nguy cơ mắc chứng lạm dụng chất gây nghiện, ở lại lớp và thành tích học tập kém ở trẻ.

“Cha mẹ có con khi lớn tuổi có thể là một yếu tố đảm bảo an toàn cho con cái xét trên phương diện điều kiện chăm sóc tốt hơn, khả năng tài chính đảm bảo hơn, quan tâm nhiều hơn, theo như kết quả từ các công trình nghiên cứu tâm lý học,” D’Onofrio chia sẻ.

<Theo Live Science>

Annie Nguyễn:
Có thể bạn quan tâm