X

Ung thư vòm họng

Ung thư vòm họng là loại ung thư thường gặp và phổ biến rộng rãi đặc biệt ở khu vực Châu Á và Châu Phi. Đây là loại ung thư phát triển rất nhanh và dấu hiệu không đặc trưng nên mọi người cần đặc biệt chú ý phát hiện bệnh càng sớm càng tốt để có biện pháp điều trị hiệu quả.

1. Ung thư vòm họng là gì?

Ung thư vòm họng (có tên tiếng anh là nasopharynx cancer hay nasopharyngeal carcinoma, tên viết tắt là NPC) là một loại ung thư bắt đầu từ các tế bào biểu mô ở vùng vòm họng. Ung thư vòm họng thường gặp ở nam giới (tỷ lệ mắc bệnh ở nam giới nhiều gấp 3 lần ở nữ). Độ thường mắc bệnh phổ biến nhất là khoảng 30-40 tuổi và 50-60 tuổi, tuy nhiên vẫn phát hiện những trường hợp ca bệnh trong độ tuổi thiếu niên.

Phát hiện ung thư càng sớm thì cơ hội chữa khỏi bệnh càng cao. Theo thống kê, tỷ lệ sống trong 5 năm sau khi điều trị ở bệnh nhân giai đoạn 1,2 lên đến 90%.

2. Nguyên nhân

Vòm họng là phần cao nhất của họng có hình vòm. Cho đến hiện này các nhà khoa học vẫn chưa xác định được chính xác nguyên nhân gây ra bệnh ung thư vòm họng. Một số yếu tố được cho rằng là nguyên nhân của căn bệnh là là virus, ảnh hưởng của môi trường và di truyền.

a. Virus Epstein- Barr (EBV)

EBV là một trong những loại virus phổ biến nhất. Trong một số trường hợp mắc bệnh, các nhà nghiên cứu thấy có những mảnh ADN của EBV kết hợp với ADN của tế bào trong vòm họng gây ra những biến đổi gen. Tuy nhiên không phải tất cả người bị nhiễm EBV đều gặp phải hiện tượng này, đa số ADN của EBV sẽ hồi phục lại hoàn toàn.

b. Môi trường

  • Ăn nhiều thực phẩm có chứa chất Nitrosamine như cá muối, thịt xông khói và các thức ăn lên men…
  • Những người có tiến sử hút thuốc lá, thuốc lào, uống nhiều rượu hoặc sinh sống, làm việc ở những khu vực ô nhiễm nhiều khói bụi.
Hãy nói không với thuốc lá, vì chính sức khỏe của bản thân và gia đình bạn. Ảnh: Shutterstock

c. Di truyền

Yếu tố di truyền vẫn đang được nghiên cứu để khẳng định rõ ràng. Các bác sĩ đã ghi nhận được hiện tượng trong một gia đình hoặc dòng họ có nhiều người cùng bị ung thư vòm họng ở những thời điểm khác nhau. Người chủng tộc da vàng, đặc biệt phía Nam Trung Quốc, Đài Loan và khu vực Đông Nam Á có tỷ lệ ung thư vòm họng rất cao.

d. Đột biến HLA

các gen này có thể di truyền lại cho đời con. Do đó khi trong gia đình có một người mắc ung thư vòm họng thì các thành viên khác nên có chế độ tấm soát đặc biệt hoặc phương pháp phòng ngừa hiệu quả.

3. Dấu hiệu

Việc phát hiện sớm ung thư vòm họng là rất khó vì hầu hết chỉ đến khi bệnh đến giai đoạn cuối các dấu hiện mới đặc trưng. Các dấu hiệu bất thường trong cơ thể có thể là những biểu hiện của giai đoạn đầu ung thư nên bản thân mọi người cần có ý thức cảnh giác khi có các dấu hiệu như:

  • Phát hiện thấy khối u hoặc hạch bất thường vùng cổ, họng, mang tai, góc hàm.
  • Đau họng kéo dài trên 1 tuần, sau khi đã điều trị mà không thất bệnh thuyên giảm.
  • Khó thở hoặc khó nói.
  • Chảy máu cam.
  • Ngạt mũi kéo dài.
  • Khó nghe, ù tai hoặc đau tai.
  • Đau nửa đầu.
  • Khi có các dấu hiệu trên nên đi khám bác sỹ chuyên khoa tai mũi hoặc chuyên khoa ung bướu để có phương hướng xử lý cụ thể.

4. Phương pháp chẩn đoán

Giai đoạn ung thư vòm họng được dựa trên khám lâm sàng và chụp X-quang:

  • Giai đoạn I: khối u nhỏ giới hạn trong vòm họng.
  • Giai đoạn II: khối u phát triển lớn hơn mở rộng trong khu vực địa phương.
  • Giai đoạn III: khối u lớn (có hoặc không có bệnh về cổ)
  • Giai đoạn IV: khối u di căn đến bất kỳ bộ phận nào khác.

Sau khi có những dấu hiệu bất thường trong cơ thể, các bác sĩ cần khám lâm sàng để xác định đúng bệnh và có cơ sở chỉ định thực hiện xét nghiệm phù hợp. Một số xét nghiệm như:

  • Nội soi vòm họng: đây là phương pháp thường được chỉ định đầu tiên để chẩn đoán sớm ung thư vòm họng. Phương pháp này giúp bác sĩ quan sát được những tổn thương và dấu hiệu bất thường ở toàn vùng vòm họng nhằm phát hiện những khối u trong tai, mũi, họng. Tuy nhiên, phương pháp này vẫn hạn chế việc quan sát khối u ở vị trí dưới niêm mạc mũi họng.
  • Siêu âm vùng cổ: giúp phát hiện những khối u ở vùng cổ.
  • Chụp X quang: đây là phương pháp chuẩn đoán hình ảnh cho phép xác định tương đối kích thước, hình dáng của khối u phát triển ở vòm họng, Đây cũng là phương pháp giúp chẩn đoán tình trạng di căn của các khối u.
  • Chụp cộng hưởng từ MRI, chụp PET/CT: chụp MRI hay PET/CT cho hình ảnh quan sát đa chiều và rõ nét giúp phát hiện tình trạng phát triển của khối u. Đây cũng là phương pháp bác sĩ thường chỉ định để xác nhận giai đoạn bệnh trước khi tiến hành lập phác đồ chữa trị cho bệnh nhân.

5. Phương pháp điều trị

Ung thư vòm họng có thể điều trị bằng phương pháp phẫu thuật, hóa trị hoặc xạ trị:

  • Xạ trị: đây là phương pháp điều trị quan trọng nhất, chiếu tia cả khối u và hạch nếu có. Các bác sĩ có thể xác định chính xác khu vực cần chiếu xạ (trường chiếu xạ) dựa vào các hình ảnh 3D nhằm tăng tối đa tác dụng trên khối u đồng thời hạn chế làm tổn thương mô lành.
  • Hóa trị: trước đây phương pháp này được sử dụng khi ung thư đã di căn hoặc khi điều trị xạ trị thất bại. Tuy nhiên hiện nay việc điều trị kết hợp xạ trị và hóa trị ngay từ đầu giúp tăng hiệu quả điều trị khối u.
  • Phẫu thuật: do vòm họng nằm ở vị trí giải phẫu hẹp và sâu nên trước đây phẫu thuật không có vai trò quan trọng trong điều trị triệt để. Hiện nay, cùng với sự tiến bộ của phẫu thuật kết hợp với nội soi đã mở ra phương hướng chữa khỏi cho những bệnh nhân ung thư vòm họng đáp ứng kém với xạ trị hoặc hóa trị. Ngoài ra phẫu thuật còn có thể loại bỏ các hạch di căn ở vùng cổ ở giai đoạn còn khu trú.
  • Tuy nhiên các phương pháp trên vẫn có nhưng mặt hạn chế nhất định như: Xạ trị có thể tiêu diệt các tế bào ung thư nhưng không thể tiêu diệt hết tận gốc, khối u vẫn có thể phát triển và di căn. Hóa trị làm ảnh hưởng đến cơ thể, gây mệt mỏi, suy giảm miễn dịch của người điều trị

Ngoài ra các nhà khoa học đang nỗ lực nghiên cứu phương hướng điều trị mới dựa trên sinh học phân tử, công nghệ gen, miễn dịch học… và bước đầu đã cho thấy thấy những dấu hiệu tích cực. Khả năng điều trị phụ thuộc chủ yếu vào giai đoạn bệnh được phát hiện, nếu được phát hiện sớm tỷ lệ sống trên 5 năm sau khi điều trị có thể lên tới trên 70%. Với ung thư giai đoạn cuối, tỷ lệ tái phát và di căn sau điều trị rất cao, tỷ lệ sống sau 5 năm thấp từ 10% – 40%.

6. Cách phòng tránh

Việc phòng tránh mắc ung thư vòm họng vẫn chưa có biện pháp đặc hiệu:

  • Một trong những nguyên nhân dẫn đến ung thư vòm họng là virus EBV vẫn đang được các nhà khoa học nỗ lực nghiên cứu để tìm ra vắc xin.
  • Nâng cao sức khỏe và có lối sống lành mạnh cũng là một biện pháp để phòng chống căn bệnh nguy hiểm này: thường xuyên tập thể dục thể thao, chế độ làm việc và sinh hoạt hợp lý, không hút thuốc lá và hạn chế rượu bia, chất kích thích cũng như hạn chế ăn các thức ăn lên men như dưa muối, thịt muối…
  • Khi phát hiện các dấu hiệu bất thường có thể là dấu hiệu sớm của ung thư vòm họng nên đi khám chuyên khoa Tai Mũi Họng sớm để được kiểm tra.

7. Kết luận

Ung thư vòm họng là loại ung thư nguy hiểm và rất phổ biến ở Việt Nam, bệnh không có dấu hiệu đặc trưng nên việc phát hiện sớm để điều trị hiệu quả cần theo dõi chặt chẽ sức khỏe bản thân cũng như có chế độ sinh hoạt hợp lý để phòng tránh bệnh. Khi có những dấu hiệu bất thường ở vùng tai mũi họng, người bệnh cần đi khám sớm để có thể loại trừ hoặc theo dõi bệnh trạng đúng lúc.

Mục: Ung thư
Annie Nguyễn:
Có thể bạn quan tâm