X

5 nhân vật bước ra đời thật từ chuyện cổ tích

Những câu chuyện về hoàng tử và công chúa, Lọ lem và bà tiên đã gắn liền với tuổi thơ của trẻ em trên khắp thế giới, mang đến cho các em một thế giới đẹp đẽ hoàn mỹ vốn chỉ có trong giấc mơ. Năm tháng dần trôi, các câu chuyện cổ tích chỉ còn đọng lại trong tâm trí các em như những điều xa rời thực tế và không có thật.

Nàng tiên cá. Ảnh: Live Science

Nhưng có lẽ không thật sự như vậy. Dưới cái nhìn của khoa học, các câu chuyện cổ tích cho thấy chúng không quá xa rời thực tế như mọi người vẫn tưởng. Sau đây là năm ví dụ ở đời thực đi ra từ chuyện cổ tích.

Cô bé quàng khăn đỏ

Trong thế giới cổ tích, nhân vật người sói xuất hiện một số lần như trong “Người đẹp và quái vật” hay nhân vật chó sói từ câu chuyện “Cô bé quàng khăn đỏ”. Tuy nhiên, nhân vật hung tợn này có thể lại là nạn nhân khốn khổ của một hội chứng hiếm gặp trong y khoa.

Hypertrichosis, còn được biết đến tên là “hội chứng người sói”, dùng để chỉ những trường hợp có lông tóc mọc quá mức cần thiết ở một vài chỗ hay trên toàn bộ cơ thể. Có khi một người khi sinh đã nhiều lông gây ra bởi một đột biến gen hiếm gặp; trong khi các trường hợp khác mắc hypertrichosis là do phản ứng phụ của thuốc, hoá chất hay thậm chí là ung thư.

Supatra “Nat” Sasuphan được chẩn đoán mắc hội chứng người sói. Ảnh: guinnessworldrecords.com

Trường hợp hội chứng người sói đầu tiên được ghi nhận vào những năm 1600, xảy ra tại gia đình Petrus Gonzales ở Đảo Canary, bao gồm cả người cha, con trai, hai con gái và cháu nội cùng có triệu chứng này. Trong thế kỷ 19, những người mắc hội chứng hypertrichosis, như Jo-Jo Chú-bé-mặt-chó, Lionel anh-chàng-mặt-sư-tử và người phụ nữ có râu trở thành trò biểu diễn trong gánh xiếc trước cái nhìn tò mò của công chúng hơn là mang đến nỗi sợ hãi.

Chú bé người gỗ Pinocchio

Được đẽo gọt từ một khúc gỗ, Pinocchio đã trở thành người nhờ phép thuật. Trong bộ phim cổ tích của đài ABC tên “Ngày xửa ngày xưa”, chúng ta lại thấy điều ngược lại, Pinocchio bây giờ đã là một người đàn ông trưởng thành trong thế giới thực, bắt đầu từ từ biến thành người gỗ.

Dĩ nhiên những sự việc như vậy thật buồn cười và vớ vẩn, nếu như Pinocchio không mắc phải chứng Epidermodysplasia verruciformis, một hội chứng rối loạn gen vùng da thể hiện nguy cơ ung thư da cao. Hệ miễn dịch có thể bỏ mặc cơ thể trước nguy cơ cao bị nhiễm nhiều loại virus gây tác động lên da, bao gồm những loại gây ra các triệu chứng như nổi mụn cóc hay bướu cứng như vỏ cây.

Chú bé người gỗ Pinocchio. Ảnh: Live Science

Năm 2008, Dede Koswara từ Indonesia đã làm cả thế giới sững sờ khi nhìn thấy bướu cây mọc ra từ bàn tay và bàn chân anh. Sự khổ sở của anh được các bác sĩ chẩn đóan là do virus epidermodysplasia verruciformis và HPV-2. Virus đã tấn công và khống chế tế bào da Koswara, bắt chúng phải sản xuất số lượng lớn chất keratin, một loại protein dạng sợi chịu trách nhiệm cho tạo ra lông, tóc và móng. Do hệ miễn dịch của Koswara suy yếu, những bướu sừng đã phát triển ngoài tầm kiểm soát tạo thành các mảng dày và cứng, làm cho Koswara có biệt danh “Người cây”.

Phù thủy xứ Oz

Mụ Phù thủy miền Tây có sức mạnh phép thuật khủng khiếp trong câu chuyện Phù thủy xứ Oz, nhưng lại có một điểm yếu chí tử là nếu chạm phải nước, người mụ sẽ tan chảy ra. Khó mà tưởng tượng việc nước bình thường lại có thể gây tác hại nghiêm trọng lên con người bằng da bằng thịt, nhưng đối với những người phải khổ sở vì chứng dị ứng nước-Aquagenic urticaria thì mọi việc lại khác với chất lỏng tưởng như hiền hòa kia.

Phù thủy xứ Oz. Ảnh: Live Science

Dị ứng nước là một chứng rối loạn hiếm gặp làm cho da ngứa ngáy, đau đớn và nứt nẻ hay nổi ban đỏ chỉ sau vài phút tiếp xúc trực tiếp với nước ở bất kỳ nhiệt độ nào (trong một số trường hợp, bao gồm cả mồ hôi và nước mắt của người đó). Theo báo cáo nghiên cứu đăng trên tạp chí Annals of Dermatology, kể từ khi được phát hiện lần đầu tiên vào năm 1964, người ta đã ghi nhận có gần 100 trường hợp dị ứng nước.

Nếu mụ Phù thủy phương miền Tây bị dị ứng với nước, thì ném mụ vào hồ nước sẽ không thể giết chết mụ, nhưng sự đau đớn và sốc đủ để mụ thét lên câu nói nổi tiếng: “Ta đang tan chảy! Tan chảy! Ôi, cái thế giới quái quỷ này! Cái thế giới quái quỷ này!”.

Nàng Bạch Tuyết

Trong truyện “Bạch Tuyết và bảy Chú lùn”, nàng công chúa chìm vào giấc ngủ sau khi cắn một miếng táo, và chỉ có thể đánh thức nàng dậy bằng một nụ hôn đến từ tình yêu chân thật. Nguyên nhân gây ra giấc ngủ của nàng Bạch Tuyết đơn giản là do vi khuẩn.

Listeria monocytogenesis là một loại vi khuẩn có hình que có nhiều trong các loại thực phẩm, bao gồm cả táo. “Nó gây ra viêm màng não, triệu chứng xây xẩm choáng váng dẫn đến bất tỉnh,” Tiến sỹ Geroge Thompson, phó giáo sư bộ môn y dược tại Đại học California, Davis, giải thích với Live Science trong một email.

Chỉ cần cắn một miếng táo là nàng Bạch Tuyết bất tỉnh nhân sự, chỉ có một nụ hôn chân thành mới có thể đánh thức. Ảnh: Universal

Tuy nhiên, có lẽ chỉ một nụ hôn thôi là chưa đủ để đánh thức một người bất tỉnh do triệu chứng viêm màng não, trừ khi nụ hôn đó bằng cách nào đó có một lượng kháng khuẩn đáng kể.

Nhưng một nụ hôn của tình yêu chân thành có thể làm được việc này. Theo Daily Mail, vào năm 2009, một phụ nữ tại Anh đã bất tỉnh sau một cơn nhồi máu cơ tim, nhưng hai tuần sau khi chồng cô ta muốn đặt một nụ hôn thì cô ấy bắt đầu nhúc nhích và hưởng ứng bằng cách xoay đầu và chụm môi.

Gương thần

Tấm gương thần có nhiều quyền năng đáng kinh ngạc, tùy theo từng câu chuyện. Trong “Bạch Tuyết và bảy Chú lùn”, tấm gương thần như một nhà thông thái, trả lời bất cứ câu hỏi nào một cách chính xác nhất (mặc dù mụ Hoàng hậu chỉ hỏi duy nhất một câu, “Gương kia ngự ở trên tường, nước ta ai đẹp được dường như ta?”). Trong truyện “Tấm gương thần” của Aleksandr Afanas’ve, một bản sao từ nước Nga của anh em nhà Grimm, gương thần có khả năng tương tự và cũng có thể cho thấy hình ảnh trực tiếp cảnh vật những nơi mà bạn đã đến.

Khoa học công nghệ ngày nay đã mang đến cho chúng ta một tấm gương thần nhỏ: Siri, trợ lý cá nhân từ iPhone. Nếu được hỏi, Siri thu thập kiến thức bằng cách tìm kiếm dữ liệu trên Internet, sẽ trả lời ai là người đẹp nhất (là bạn, trong đa số trường hợp), cho bạn thấy hình ảnh của các địa điểm, con người và sự vật, hay cố gắng trả lời bất cứ thắc mắc nào mà bạn có.

Trợ lý Siri trên iPhone. Ảnh: Apple.com

Một số nhà phát triển đang nghiên cứu để biến những tấm gương lớn thành trung tâm tra cứu thông tin. Chẳng hạn như Phòng R&D Tạp chí New York Times đang nghiên cứu “một tấm gương phép thuật” cho ph1p bạn lướt qua các tin bài và video, cũng như sắp lịch làm việc, mua sắm trực tuyến và gởi tin nhắn đến các tấm gương khác trong nhà.

<Theo Live Science>

Annie Nguyễn:
Có thể bạn quan tâm