X

Thụ tinh trong ống nghiệm phụ thuộc nguồn gen

Các nhà nghiên cứu đến từ trường Đại học Nottingham Vương quốc Anh vừa công bố kết quả nghiên cứu cho tỉ lệ thành công khi cùng sử dụng phương pháp thụ tinh nhân tạo trên phụ nữ da trắng cao hơn so với phụ nữ châu Á và phụ nữ da đen.

Thụ tinh trong ống nghiệm là cứu cánh cho người hiếm muộn. Ảnh: Mirror

Phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm (In vitro fertilisation – IVF) hiện nay đạt tỷ lệ mang thai tăng lên đáng kể so với trước đây nhờ những tiến bộ trong y học. Theo các báo cáo y khoa của Canada năm 2006, tỷ lệ mang thai thành công 35%. Một nghiên cứu độc lập của Pháp ước đoán khoảng 66% phụ nữ bắt đầu áp dụng phương pháp này và cuối cùng đã có con (40% trong quá trình điều trị bằng kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm tại trung tâm và 26% sau khi gián đoạn thụ tinh trong ống nghiệm). Việc có con sau khi ngừng điều trị bằng thụ tinh trong ống nghiệm chủ yếu là nhận con nuôi (46%) hoặc mang thai tự nhiên (42%).

Việc nâng cao tỷ lệ thụ thai bằng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm luôn là mục tiêu hàng đầu của các giới y khoa. Mặc dù các nhà khoa học chưa tìm ra được câu trả lời rõ ràng cho tỷ lệ thành công không giống nhau giữa phụ nữ da trắng, da vàng và da đen, nhưng nhiều khả năng do gen di truyền cũng như tác động của các yếu tố ngoại cảnh như xã hội và môi trường.

Trong nghiên cứu này, các chuyên gia tiến hành khảo sát kết quả IVF đối với 1.517 phụ nữ ở nhiều nơi khác nhau trên thế giới được điều trị trong giai đoạn từ năm 2006-2011. Theo thống kê cho thấy, tỷ lệ thành công giữa các nhóm phụ nữ này là khác nhau, chỉ có 35% phụ nữ châu Á và phụ nữ da đen mang thai và sinh con thành công sau khi sử dụng phương pháp IVF so với tỷ lệ 44% của phụ nữ da trắng.

Yếu tố quyết định tỷ lệ thành công thụ tinh trong ống nghiệm vẫn còn là dấu hỏi. Ảnh: Mirror

Kết quả cũng chỉ ra rằng tỷ lệ mang thai và sinh con thành công giữa các nhóm phụ nữ thuộc sắc tộc khác nhau có sự chênh lệch. Chỉ có 21,4% phụ nữ đến từ Trung Á mang thai và sinh con thành công sau khi áp dụng phương pháp IVF, trong khi tỷ lệ ở phụ nữ có gốc từ khu vực châu Phi và Caribbean là 23,3% và ở phụ nữ đến từ khu vực Đông Nam Á là 38%.

Tiến sỹ Walid Maalouf, trưởng nhóm nghiên cứu, cho hay hiện vẫn chưa rõ về nguyên nhân dẫn tới sự chênh lệch này. Ông nhấn mạnh rằng cần phải tiến hành nghiên cứu về gen xem đó có phải là yếu tố quyết định đến kết quả của phương pháp IVF hay không. Đồng thời phải khảo sát thêm ảnh hưởng từ lối sống và các yếu tố văn hóa khác nhau giữa các khu vực. Qua đó xác định mức độ ảnh hưởng của các yếu tố này đối với xác suất thành công của kỹ thuật IVF.

Các nhà khoa học tin rằng kết quả nghiên cứu này có thể được sử dụng trong việc tư vấn cho các cặp vợ chồng về khả năng thành công trong thực tế khi họ sử dụng phương pháp IVF. Hiện nay, có đến 2/3 các cặp vợ chồng không thành công ở lần đầu tiên sử dụng phương pháp IVF.

Quá trình thụ tinh nhân tạo. Ảnh: Alamy.com

Thụ tinh trong ống nghiệm (In vitro fertilisation – IVF)là một phương pháp thụ tinh nhân tạo được áp dụng khi phương pháp thụ tinh tự nhiên không thể thực hiện, nguyên lý cơ bản là trứng được thụ tinh bằng tinh trùng bên ngoài cơ thể, trong ống nghiệm. Gonadotrophin sẽ được tiêm vào người phụ nữ để kích thích trứng lớn. Quá trình tiêm thuốc được thực hiện dưới sự giám sát chặt chẽ để bảo đảm lượng hormone đưa vào cơ thể đúng định lượng, sau đó sẽ bác sĩ tiến hành siêu âm để phát hiện những trứng đạt yêu cầu.

Khi trứng đạt kích thước cần thiết, chúng sẽ được hút ra khi đã chín nhưng chưa tự phóng. Hormone gondotropins, loại hóc môn gây tắt kinh nguyệt của người được dùng để kích thích rụng trứng. 36 giờ sau, bào tương (chứa tế bào trứng) sẽ được lấy ra theo đường âm đạo (bằng kim và siêu âm). Các trứng trong bào tương sẽ được thụ tinh với tinh trùng đã được chuẩn bị sẵn. Hai trứng đã thụ tinh sẽ được đưa lại vào tử cung người phụ nữ.

<Theo BBC Health>

Annie Nguyễn:
Có thể bạn quan tâm