X

Chimera và thực hư chuyện trẻ sinh đôi khác cha – Phần 3

Xét nghiệm ADN thai nhi có thể phát hiện sớm bất thường nhiễm sắc thể. Ảnh: Shutterstock

Trong cơ thể mẹ có các ADN của con, hiện tượng này có tác động tích cực và cả tiêu cực đến sức khỏe người mẹ. Ảnh: Shutterstock

Giới khoa học đã ghi nhận sự ảnh hưởng của chimera đến các căn bệnh ở phụ nữ như Alzheimer, rối loạn tự miễn, ung thư tuyến giáp, ung thư vú, ung thư kết tràng, tiểu đường. Tác động của chimera có cả tích cực và tiêu cực, và cho đến nay những hiểu biết về vấn đề này còn hạn hẹp.

Chimera và thực hư chuyện trẻ sinh đôi khác cha – Phần 1
Chimera và thực hư chuyện trẻ sinh đôi khác cha – Phần 2

Tác động của chimera đến bệnh tật

Bởi vì có thể dễ dàng dàng xét nghiệm ADN của bé trai trong cơ thể mẹ bằng cách tìm sự hiện diện của nhiễm sắc thể Y, nên nhiều nghiên cứu tập trung tìm kiếm microchimerism ở những người mẹ có con trai. Trong một nghiên cứu năm 2012, William Chan thuộc Trung tâm nghiên cứu Ung thư Fred Hutchinson, Seattle và các cộng sự quan sát các não được phẫu thuật của 59 phụ nữ, 33 người trong số đó mắc bệnh Alzheimer, trong khi 26 người còn lại không có biểu hiện mắc bệnh thần kinh. Họ tìm thấy ADN của nam – được phát hiện bởi marker DYS14 trên nhiễm sắc thể Y – hiện diện trên các vùng não khác nhau của 63% số phụ nữ, đáng chú ý là tỷ lệ và hàm lượng microchimerism thấp hơn đáng kể ở những phụ nữ mang bệnh Alzheimer.

Ngược lại, một số nghiên cứu cho thấy mức độ cao hơn đáng kể của microchimerism thai nhi ở những người mẹ mắc chứng xơ cứng toàn thân, một dạng rối loạn tự miễn đặc trưng bởi sự xơ cứng và sẹo trên da. Tương tự, cả nghiên cứu ở người và động vật đều thấy hàm lượng microchimerism cao hơn hẳn ở người phụ nữ bị viêm tuyến giáp, một dạng rối loạn tự miễn mà hệ thống miễn dịch nhận diện tuyến giáp và các hormone của nó như mối đe dọa và bắt đầu sản xuất kháng thể chống lại tuyến giáp. Điều thú vị là các rối loạn tuyến giáp phổ biến ở phụ nữ hơn đàn ông, với nguy cơ đặc biệt cao ở những phụ nữ sau khi sinh.

Microchimerism cũng được báo cáo trong một vài nghiên cứu về ung thư. Ví dụ, Valentina Cirello tại Fondazione Policlinico IRCCS ở Milan, Ý, cùng các cộng sự phát hiện ADN thai nhi lưu thông ở mức độ thấp trong máu người mẹ mắc ung thư tuyến giáp khi so sánh với người khỏe mạnh, mặc dù họ xác định thấy nồng độ cao hơn hẳn ở gần hoặc xung quanh khối u. Những phát hiện này đưa đến một giả thuyết rằng các tế bào thai nhi trong máu có thể đã được dẫn đến vị trí khối u nhằm mục đích sửa chữa mô. Các nhà nghiên cứu cũng báo cáo về phát hiện tương tự ở người mắc ung thư vú, microchimerism thai nhi cũng hiện diện ở nồng độ thấp trong máu người mẹ mắc ưng thư, so sánh với người khỏe mạnh. Người phụ nữ sinh nhiều lần cũng có nguy cơ thấp mắc ung thư vú khi so sánh với người không có con, nhưng lý do vì sao điều đó xảy ra vẫn còn là bí ẩn. Những nghiên cứu mới nhất về chimera thai nhi có thể giải thích phần nào bí ẩn này.

Tuy nhiên, chiều hướng ngược lại được phát hiện ở ung thư kết tràng, ADN thai nhi được phát hiện có nồng độ cao trong máu của mẹ mắc ung thư. Thay vì tác động có lợi, tế bào thai nhi có thể góp phần hỗ trợ ung thư bằng cách kích hoạt các phản ứng viêm dẫn đến hư hại mô, tương tự những gì diễn ra trong quá trình đào thải khi thực hiện cấy ghép. Ngoài ra, tế bào chimera có thể hoàn toàn trung lập với vật chủ, sự hiện diện hay vắng mặt của chúng ở các mô tổn thương có thể là do tác dụng phụ của bệnh.

Mối quan hệ 2 chiều giữa mẹ và thai nhi thực sự còn nhiều điều bí ẩn. Ảnh: Petteri Sulonen

Một hình thức trái ngược của chimera mẹ-thai nhi – sự hiện diện của tế bào chimera mẹ trong mô của con – cũng được nghiên cứu rộng rãi ở cả trẻ sơ sinh và người trưởng thành. Dạng microchimerism này có liên quan đến một số bệnh như tiểu đường và hẹp đường mật, một khiếm khuyết bẩm sinh khi ống dẫn mật giữa gan và ruột non bị chặn lại hoặc không tồn tại. Nhưng một lần nữa các kết quả thu thập tới nay dường như chưa thể đi đến kết luận sự hiện hiện của ADN mẹ là nguyên nhân hay kết quả của bệnh.

Chuyên gia microchimerism thai nhi J. Lee Nelson thuộc Đại học Washington cho biết: “Đây là một lĩnh vực nghiên cứu mới và hiểu biết về nó còn hạn chế. Nhìn chung, chúng tôi mong đợi microchimerism mang lại tiềm năng tác động cả có lợi và/hoặc có hại, dù nó bắt nguồn từ thai nhi hay mẹ hay từ nơi nào đó của microchimerism.”

Sự ảnh hưởng của microchimerism đến sức khỏe của vật chủ có thể bị tác động bởi các yếu tố khác nhau. Ví dụ, sự tương thích của gen HLA giữa mẹ với thai nhi đóng một vai trò quan trọng trong cách tương tác lẫn nhau. Thông thường, các tế bào mà được trao đổi giữa mẹ với thai nhi nhanh chóng bị loại bỏ bởi hệ thống miễn dịch của vật chủ, nhưng dạng HLA kết hợp có thể làm tăng cơ hội để các tế bào bị thay đổi hoạt động như thể được cấy ghép và tồn tại trong vật chủ một thời gian dài sau khi có mặt. Một số sự kết hợp HLA cũng có thể làm tăng khả năng phát triển các bệnh tự miễn.

Nguồn gốc của microchimerism có thể là yếu tố then chốt, dù cho nó bắt nguồn từ người mẹ, thai đủ tuần, anh em hay thai bị sẩy. Những trường hợp sẩy thai thường do các khiếm khuyết di truyền, điều này có thể dẫn đến các tế bào khiếm khuyết được chuyển giao lại và có khả năng gây hại.

Cuối cùng, tuổi của các tế bào thai được chuyển đến mẹ có thể ảnh hưởng đến sinh lý người mẹ, bởi vì thành phần tế bào của thai nhi sẽ thay đổi khi chúng phát triển. Ví dụ, tế bào T của thai nhi được hình thành vào khoảng tuần thứ 13 của thai kì và không thể được chuyển giao trước đó. Sự vận chuyển của tế bào từ hệ thống miễn dịch có thể có lợi hoặc có hại phụ thuộc vào sự tương thích HLA. Ngược lại, tuổi của tế bào người mẹ chuyển giao qua thai nhi có thể thể tác động có lợi hoặc không tới microchimerism người mẹ, bởi vì các tế bào già thường tích lũy những tổn hại ADN hoặc các dấu hiệu lão hóa. Trong khi tế bào được chuyển đến từ hệ thống miễn dịch của mẹ có thể mang lại lợi ích cho miễn dịch, một vài tế bào có thể mang các đột biến tiền ung thư. Thực tế mặc dù ung thư trong thai kì là không phổ biến, vẫn có những báo cáo về các khối u của mẹ di căn đến nhau thai và trong trường hợp hiếm hoi là chuyển tới thai nhi.

Bibliography

The Scientist. (2015, April 1). From Many, One. Retrieved March 16, 2016 from http://www.the-scientist.com/?articles.view/articleNo/42476/title/From-Many–One/

<Thu Hà dịch>

Annie Nguyễn:
Có thể bạn quan tâm