X

Vô sinh ở nam giới

Vô sinh ở nam giới là một trong những bệnh nam khoa khá phổ biến trong xã hội hiện nay, tỉ lệ nam giới bị vô sinh ngày càng tăng. Nó không chỉ ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống gia đình, khả năng làm cha mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần của nam giới.

1. Vô sinh nam là gì?

a. Định nghĩa

Vô sinh nam có thể hiểu một cách đơn giản là một người đàn ông không có khả năng sinh sản, lượng tinh trùng khỏe mạnh được sản xuất ra thấp hoặc không có khả năng sản xuất tinh trùng.

b. Mức độ vô sinh

Trong chẩn đoán vô sinh (cả nam và nữ) không chia mức độ nặng hay nhẹ. Vô sinh thường được chia thành 2 loại:

  • Vô sinh nguyên phát: cặp vợ chồng chưa từng có thai trước đây, chiếm 3,9% (so với tỷ lệ vô sinh ở Việt Nam là 7,7%)
  • Vô sinh thứ phát: cặp vợ chồng đã từng ít nhất một lần có thai, khoảng một năm sau muốn có thai nhưng vẫn không có thai trở lại, chiếm 3,8% (so với tỷ lệ vô sinh ở Việt Nam là 7,7%)

2. Nguyên nhân

a. Yếu tố di truyền

  • Chất lượng tinh trùng kém: không có tinh dịch hoặc rất ít tinh dịch, tinh trùng ít và yếu, tinh dịch không chứa tinh trùng, tinh dịch không có khả năng dịch hóa…
  • Cấu tạo sinh học bất thường: teo tinh hoàn, tắc ống dẫn tinh…

b. Bệnh lí

Các bệnh sinh dục: rối loạn cương dương, viêm mào tinh, tắc ống dẫn tinh, xoắn tinh hoàn, giãn tĩnh mạch tinh hoàn, ung thư tinh hoàn…

c. Lối sống

  • Thói quen sinh hoạt: sử dụng nhiều chất kích thích như rượu, bia, hút nhiều thuốc, dùng nhiều thức uống có chứa cafein, ăn uống không đủ chất, căng thẳng, stress kéo dài…
  • Môi trường sống: môi trường bị ô nhiễm, thường xuyên tiếp xúc với các chất độc hại, làm việc trong môi trường nhiệt độ cao, các loại sóng điện từ… đều có thể giết chết tinh trùng.

3. Dấu hiệu

Một số dấu hiệu nhận biết vô sinh ở nam giới biểu hiện cụ thể ở bộ phận sinh dục như:

  • Xuất tinh ra máu (tinh dịch có màu hồng nhạt) và cảm giác đau buốt khi xuất tinh
  • Lượng tinh dịch xuất ra quá nhiều hoặc quá ít (loãng, đặc bất thường)
  • Tinh hoàn có hiện tượng sưng đau, hơi đỏ tấy
  • Bìu tinh hoàn sưng to, hai bên không cân xứng
  • Đi tiểu nhiều lần kèm theo cảm giác rát buốt sau đó
  • Rối loạn xuất tinh, xuất tinh ngược

Ngoài ra, dấu hiệu vô sinh dễ nhận thấy ở các cơ quan khác trên cơ thể nam giới:

  • Rụng tóc thường xuyên
  • Cơ thể tăng cân nhanh, không kiểm soát hoặc béo phì
  • Cảm giác căng thẳng lo âu, không còn ham muốn tình dục
  • Những người mắc các bệnh về gan, thận hay thiếu tế bào máu hình lưỡi liềm, các bệnh giang mai, sùi mào gà, viêm tuyến tiền liệt… không được chữa trị kịp thời cũng khiến nam giới dễ mắc vô sinh

4. Phương pháp xác định

a. Nội tiết tố

  • FSH: kích thích tinh hoàn sản xuất tinh trùng trưởng thành. FSH trong giới hạn từ 2 – 12 mIU/ml
  • LH: có tác dụng kích thích tế bào Leydig sản xuất Testosterone. LH trong giới hạn từ 2 – 12 mIU/ml
  • Testosterone: Là hormone có trong tinh hoàn có vai trò phát triển các mô sinh dục như tinh hoàn, tiền liệt tuyến. Lượng testosterone ở nam giới trưởng thành trong khoảng 3 – 10 ng/ml
  • Androgen: Có tác dụng kích thích phát triển tuyến tiền liệt, túi tinh, cơ quan sinh dục nam
Tuổi/Giai đoạn trưởng thành theo phân loại Tanner Nồng độ ng/ml
7-9 tuổi 0-0,8
10-11 tuổi 0-1,3
12-13 tuổi 0-1,6
14-15 tuổi 0,4-2,9
16-17 tuổi 1,1-3,1
18-40 tuổi 0,9-2,9
Trên 41 tuổi 0,8-2,2
Giai đoạn I của Tanner
Giai đoạn II của Tanner
Giai đoạn III của Tanner
Giai đoạn IV-V của Tanner 1,0-3,0

Giới hạn bình thường đối với nồng độ androstenedion huyết thanh

b. Tinh dịch đồ

Đây là một trong những xét nghiệm cơ bản nhất và không thể thiếu khi khám vô sinh nam nhằm kiểm tra tinh dịch có tinh trùng hay không, chất lượng và số lượng tinh trùng có đạt hay không. Từ đó, có thể đánh giá sơ bộ về khả năng sinh sản của người nam.

Các chỉ số tinh dịch bình thường được mô tả trong bảng sau:

Chỉ số Giá trị bình thường
Thể tích tinh dịch 2-5 ml
Thời gian kiêng giao hợp 3-5 ngày
Màu sắc tinh dịch Trắng sữa
Thời gian lấy tinh dịch trước khi xét nghiệm
Ly giải
pH 7,2 – 8
Mật độ >20 triệu/ml
Tỉ lệ tiến tới nhanh (A) >=25%
Tỉ lệ tiến tới nhanh (B) >25% hoặc A + B >=50%
Không tiến tới
Không di động
Hình dạng bình thường >30%
Tỉ lệ sống >75%
Bạch cầu

Căn cứ vào bảng trên, chỉ số phân tích tinh dịch bình thường sau đây:

  • Thể tích tinh dịch > 2 ml
  • Mật độ > 20 triệu tinh trùng/ml
  • Độ di động của tinh trùng > 50% tinh trùng di động, hoặc 25% tinh trùng di động rất nhanh
  • Hình thái tinh trùng > 15% có hình dạng bình thường
  • Bạch cầu < 1 triệu bạch cầu/ml

c. Xét nghiệm AZF

Vùng AZF trên nhánh dài nhiễm sắc thể Y là vùng chứa nhiều gen quan trọng chi phối sự sinh tinh bình thường ở nam giới.

Tương ứng với vùng bị mất như AZFa, AZFb, AZFc, AZFd sẽ gây nên hậu quả với các mức độ khác nhau như vô tinh, thiểu tinh nặng hoặc các bất thường chức năng của tinh trùng dẫn đến vô sinh.

Xét nghiệm AZF là cơ sở xác định nguyên nhân gây vô sinh ở nam giới, giúp phát hiện đột biến mất đoạn trên vùng AZF của nhiễm sắc thể Y.

d. Xét nghiệm Halosperm

Xét nghiệm này sẽ kiểm tra đứt gãy nhiễm sắc thể tinh trùng, thông qua chỉ số DFI (tỉ lệ đứt gãy ADN của tinh trùng)

  • Nếu DFI < 15% là bình thường
  • DFI ≤ 30% là đứt gãy trung bình
  • DFI >30% là đứt gãy nhiều

Tinh trùng đứt gãy ADN có thể dẫn tới vô sinh hoặc nếu có tạo thành phôi thai thì nguy cơ sẩy thai, thai lưu, dị tật bẩm sinh … là rất cao.

e. Nhiễm sắc thể đồ

Bằng cách thu mẫu máu và tiến hành nuôi cấy tế bào phát hiện nguyên nhân gây vô sinh do thừa 1 NST X. Thay vì bộ NST có 46 thì họ lại có bộ NST 47, XXY – Hội chứng Klinefelter.

5. Các phương pháp điều trị

Tổ chức Y tế thế giới (WTO) thống kê, cứ 100 cặp vợ chồng bị vô sinh thì có 40% nguyên nhân từ vợ, 30% do chồng, 20% do cả hai và chỉ có 10% là không xác định được nguyên nhân. Có nhiều phương pháp điều trị vô sinh đang được sử dụng hiện nay bao gồm:

a. Điều trị nội khoa

Chia làm hai nhóm: dùng thuốc hoặc không dùng thuốc.

  • Dùng thuốc: Nam giới có biểu hiện bệnh lý rõ ràng. Những thuốc được chỉ định có tác dụng chống oxy hóa: vitamin E, C hay clomiphene.
  • Không cần dùng thuốc: Nam giới không phát hiện ra bệnh lý một cách rõ ràng. Các biện pháp khắc phục tập trung chủ yếu vào chế độ ăn uống và sinh hoạt như mặc quần lót rộng hơn, không tắm nước quá nóng, bỏ thuốc lá, hạn chế uống rượu bia, nghỉ ngơi khoa học…

b. Phẫu thuật

Trong mỗi trường hợp sẽ có cách điều trị khác nhau:

  • Giãn tĩnh mạch tinh: Sử dụng phương pháp vi phẫu thuật cột tĩnh mạch tinh giãn hai bên ngả bẹn- bìu, giúp cải thiện tinh trùng đến 70%
  • Tắc ống dẫn tinh do nam giới từng đi triệt sản: Thực hiện vi phẫu để nối ống dẫn tinh lại
  • Tắc mào tinh: Thực hiện phẫu thuật để nối ống dẫn tinh và mào tinh lại
  • Tắc ống dẫn tinh: Cần phẫu thuật nội soi để cắt ống phóng tinh
  • Tinh hoàn ẩn: Các ca này rất khó chữa, tỷ lệ được chữa khỏi chỉ khoảng 10-15%

Ngoài ra sau phẫu thuật, nam giới nên có chế độ sinh hoạt tình dục đều đặn để tình trạng tinh dịch mau chóng được cải thiện và giúp chị em mau thụ thai hơn.

c. Thụ tinh nhân tạo

Phương pháp này bao gồm 3 kỹ thuật chính là:

  • Bơm tinh trùng vào buồng tử cung (IUI): Tinh trùng sau khi được chọn lọc sẽ được bơm trực tiếp vào buồng tử cung qua một ống thông nhỏ, mềm và vô trùng. Thông thường tỉ lệ thành công khoảng 26% hoặc cao hơn tùy theo từng người.
  • Thụ tinh trong ống nghiệm (IVF): Là phương pháp hỗ trợ sinh sản mà tinh trùng và trứng được kết hợp bên ngoài cơ thể, sau đó phôi thai được cấy trực tiếp vào niêm mạc buồng tử cung.
  • Phương pháp ICSI: Cũng là thụ tinh trong ống nghiệm nhưng phương pháp này kết hợp với sự hỗ trợ của kĩ thuật tiêm tinh trùng vào bào tương trứng (ICSI). Tinh trùng được tiêm thẳng vào trong trứng cho tỷ lệ thụ thai lên đến 30-40% nhưng các em bé ra đời bằng phương pháp này có nguy cơ bị dị tật bẩm sinh hoặc sinh non.

6. Liệu pháp tinh thần cho đàn ông vô sinh

Tâm lí là một trong những yếu tố quan trọng trong việc quyết định tới số lượng và chất lượng tinh trùng. Nam giới thường chịu nhiều áp lực hơn phụ nữ khi biết nguyên nhân vô sinh từ phía mình. Cảm giác của đấng mày rầu lúc này là xấu hổ, tội lỗi, giận dữ, cô lập, mất mát và thất bại. Và cách phản ứng thường là từ chối hợp tác, né tránh hay phủ nhận.

Người thân cần luôn bên cạnh động viên, tạo không khí gia đình vui vẻ, không chỉ trích, gán tội… để các anh giữ được tâm lý thoải mái, không bị áp lực giúp cho khả năng chữa khỏi bệnh sớm.

7. Lời kết

Ngày nay, điều trị vô sinh bằng nhiều phương pháp khác nhau, từ y học truyền thống đến y học hiện đại đều hỗ trợ đắc lực cho công tác điều trị vô sinh. Chìa khóa then chốt trong việc điều trị vô sinh cho nam giới đó là phải đảm bảo được số lượng cũng như chất lượng tinh trùng. Để tinh trùng đủ khỏe, không bị khuyết tật và có thể thụ tinh thành công ngoài chế độ ăn uống, sinh hoạt lành mạnh thì nam giới kể cả đã hay chưa lập gia đình nên thường xuyên theo dõi những dấu hiệu của bản thân để nhận biết sớm tình hình sức khỏe sinh sản. Nếu có vấn đề gì bất thường cần đi xét nghiệm và điều trị sớm. Những vấn đề liên quan đến vô sinh để càng lâu càng khó điều trị.

Phương Thảo:
Có thể bạn quan tâm