X

Tất tần tật về tiền sản giật

Tiền sản giật ảnh hưởng tới khoảng 5-8% phụ nữ mang thai. Rối loạn tăng huyết áp thường phát triển trong nửa thứ hai của thai kỳ và có thể đe dọa tính mạng người mẹ, nếu không được điều trị. Đây là nguyên nhân của nhiều tai biến sản khoa nguy hiểm như đẻ non, thai chết lưu, nhau bong non, HELLP (hội chứng thiếu máu tán huyết, tăng men gan, giảm tiểu cầu) đe dọa tính mạng cả thai phụ và thai nhi.

Tiền sản giật là gì?

Tiền sản giật (còn gọi là nhiễm độc thai nghén) là biến chứng do nhiễm độc thai nghén thường phát triển sau tuần 20 của thai kỳ và chiếm tỉ lệ 5-8% số phụ nữ mang thai. Bệnh xuất hiện do các cơ quan bị giảm tưới máu vì mạch máu co thắt và nội mạch phù dày, xuất hiện nhiều ở những thai phụ mắc các bệnh lý liên quan như bệnh thận, bệnh basedow, bệnh tiểu đường… có thể khiến người mẹ bị tổn thương gan, thận, chảy máu (máu chảy không cầm được hay co giật khi chuyển dạ) và làm thai nhi chậm phát triển, suy thai, thậm chí chết trong tử cung.

Triệu chứng

Khi bị tiền sản giật, bệnh nhân sẽ xuất hiện một số triệu chứng sau:

  • Cao huyết áp: từ 140/90 milimét thuỷ ngân (mm Hg) hoặc cao hơn – thu được trong hai lần, cách nhau ít nhất sáu giờ nhưng không quá 7 ngày
  • Dư thừa protein trong (protein) nước tiểu
  • Giảm tạm thời thị lực, mờ mắt hoặc nhạy cảm ánh sáng
  • Đau bụng trên, thường là dưới xương sườn bên phải
  • Buồn nôn hoặc ói mửa
  • Chóng mặt, nhức đầu nặng
  • Giảm lượng nước tiểu
  • Tăng cân đột ngột, thường là nhiều hơn 2 pound (0,9 kg) trong một tuần
  • Sưng (phù) đặc biệt ở mặt và tay (nhưng đây không được xem là một dấu hiệu đáng tin cậy của tiền sản giật bởi vì nó cũng xảy ra ở nhiều thai phụ bình thường)

Nguyên nhân gây tiền sản giật

Thai phụ gặp các vấn đề dưới đây thường có nguy cơ bị tiền sản giật cao:

  • Cao huyết áp mãn tính
  • Bị một số chứng rối loạn như máu khó đông, có tiền sử mắc bệnh tiểu đường, bệnh thận, hoặc bệnh tự miễn như lupus (lở ngoài da) trước đó
  • Có người thân trong nhà như bà, mẹ, cô, dì hay chị em ruột… bị tiền sản giật
  • Bị béo phì, thừa cân trong thai kỳ
  • Mang song thai hoặc đa thai
  • Chế độ dinh dưỡng nghèo nàn

Những nguy cơ

Yếu tố nào gây nên tiền sản giật vẫn chưa được biết chính xác. Tuy nhiên, người ta ghi nhận một số yếu tố có thể góp phần trong sự xuất hiện của tiền sản giật.

  • Thời tiết lạnh và ẩm ướt
  • Con so dưới 20 tuổi hoặc trên 40 tuổi
  • Đa thai
  • Dinh dưỡng kém
  • Làm việc nặng nhọc, căng thẳng
  • Có bệnh lý nội khoa: tiểu đường, cao huyết áp, thận, nhược giáp trước đó
  • Có tiền căn thai kém phát triển, thai lưu

Biến chứng tiền sản giật

Trong các trường hợp nhẹ, tiền sản giật thường không ảnh hưởng đến mẹ và bé. Nhưng nếu mẹ bị tiền sản giật nặng có thể dẫn đến các biến chứng khôn lường.</P

Đối với mẹ

  • Sản giật là một biến chứng thường gặp ở tiền sản giật nặng, chiếm tỉ lệ 1-5%
  • Biến chứng chảy máu thường gặp là xuất huyết võng mạc, rau bong non, chảy máu trong gan. Rau bong non có thể bị chảy máu và choáng nặng
  • Biến chứng suy giảm chức năng gan và rối loạn đông máu. Đông máu rải rác trong lòng mạch là một biến chứng nặng nề của TSG và là một trong những nguyên nhân gây tử vong mẹ vì điều trị nó rất khó khăn và hiệu quả kém
  • Biến chứng suy thận cấp là nguyên nhân gây tử vong mẹ đến 23%
  • Biến chứng phù phổi cấp và suy tim cấp: thường xảy ra trong lúc chuyển dạ hoặc một vài giờ sau đẻ
  • Tử vong mẹ: Các nguyên nhân gây tử vong cho thai phụ là biến chứng của sản giật, chảy máu do vỡ bao gan trong hội chứng HELLP, phù phổi, tan huyết và đông máu rải rác trong lòng mạch, suy thận cấp, biến chứng các can thiệp sản khoa.

Đối với thai nhi

  • Thai chết lưu
  • Thai non tháng và suy dinh dưỡng
  • Tỷ lệ mổ lấy thai cao đã làm tăng tỷ lệ trẻ sinh non tháng ở các thai phụ TSG
  • Tử vong sơ sinh ngay sau đẻ do ngạt, chấn thương, chảy máu phổi, chảy máu não thất, bệnh màng trong…

Điều trị

Trường hợp tiền sản giật nhẹ, thai non tháng, người mẹ có điều kiện, có kiến thức có thể tự theo dõi. Tái khám mỗi tuần 1 lần. Tại bệnh viện làm các xét nghiệm, huyết đồ, chức năng gan, chức năng thận, xét nghiệm đông máu toàn bộ, nhóm máu và tổng phân tích nước tiểu. Đo monitoring sản khoa, và siêu âm thai Doppler, hướng dẫn theo dõi cử động thai máy. Tại nhà đo huyết áp ngày 2 lần sáng – chiều, ghi nhớ lại các thông số đo được, theo dõi cân nặng, thai máy, nằm nghỉ ngơi hoàn toàn, không làm việc.

Nếu bị tiền sản giật nặng, phải chấm dứt ngay bệnh bằng việc sinh thai nhi ra, ngay cả khi thai nhi còn non tháng để tránh nguy cơ biến chứng nặng và tử vong cho mẹ. Người mẹ có thể được kích thích chuyển dạ trong một vài ngày và mổ đẻ là cần thiết cho người mẹ tiền sản giật.

Khi có các biểu hiện bất thường ngay lập tức đến bệnh viện để kiểm tra, để có thể điều trị sớm và phù hợp sẽ ngăn chặn được các biến chứng.

Phòng ngừa tiền sản giật

  • Theo dõi khám thai định kỳ thật đều đặn
  • Chú ý tránh các yếu tố thuận lợi đưa đến tiền sản giật đã được nêu trên. Cụ thể như: không có con quá sớm hoặc quá muộn, nên ăn đầy đủ chất dinh dưỡng, không nên ăn quá mặn, không làm việc nặng nhọc, quá sức
  • Khi có cao huyết áp cần theo sự hướng dẫn điều trị và chăm sóc của các bác sĩ và nữ hộ sinh
  • Khi nằm viện, cần chú ý theo dõi các dấu hiệu tiền sản giật nặng. Khi có một trong các dấu hiệu nêu trên phải báo ngay cho nhân viên y tế (nữ hộ sinh, bác sĩ) để được điều trị kip thời

Hiện nay, các bác sĩ vẫn chưa chắc chắn vì sao tiền sản giật phát triển. Do đó mà việc ngăn chặn và điều trị là hết sức khó khăn. Vì vậy việc phòng tránh tiền sản giật cần được quan tâm chú ý ngay từ khi người mẹ bắt đầu trong giai đoạn thai kỳ: Chủ động khám thai định kỳ, chế dộ ăn uống và sinh hoạt hợp lý.

Theo Thạc sĩ Nguyễn Thành Vinh – Bệnh viện Phụ sản Hà Nội chia sẻ về vấn đề tiền sản giật với bà bầu:

  • Để phòng ngừa tiền sản giật khi mang thai, các chị em nên đến các bệnh viện, trung tâm y tế để khám thai thường xuyên. Đặc biệt cần phải tuân thủ đúng lịch hẹn khám thai để có thể đo tình trạng huyết áp, chất đạm trong nước tiểu nhằm phát hiện sớm các dấu hiệu của bệnh tiền sản giật
  • Những chị em có con muộn (ngoài 35 – 36 tuổi), trước khi mang thai từng bị cao huyết áp, hoặc trong gia đình có người từng mắc tiền sản giật thì cần trao đổi trực tiếp với bác sĩ để được tư vấn cẩn thận
  • Các chị em cần nhận thức được những triệu chứng của tiền sản giật để nhanh chóng thông báo với bác sĩ và được điều trị càng sớm càng tốt. Bởi nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời thì cả mẹ và bé có thể bị đột quỵ, phù phổi cấp, hôn mê sâu và nghiêm trọng có thể dẫn đến tử vong do biến chứng sản giật gây ra.

Lời kết

Phụ nữ mang thai nên cẩn trọng đề phòng tiền sản giật, đặc biệt là bà bầu có tiền sử bị cao huyết áp, chỉ số BMI cao, mang thai lần đầu, mang thai khi đã lớn tuổi.Việc ăn uống trước khi mang thai hợp lý sẽ đem lại sức khỏe tốt cho người mẹ và giảm nguy cơ mắc các bệnh trong quá trình mang thai như: tiền sản giật, tiểu đường… Các chị em cần thay đổi chế độ ăn uống, tuyệt đối không nên ăn thức ăn mặn (ăn nhạt để hạn chế phù nề, loại trừ được khả năng mắc bệnh). Đồng thời tập thể dục đều đặn, thường xuyên để giúp giảm cân, tránh béo phì. Ngoài ra, trong thời gian mang thai, các chị em cũng nên sắp xếp công việc khoa học, có đủ thời gian nghỉ ngơi, chăm sóc bản thân và giữ một tinh thần thật thoải mái, khỏe mạnh.

Mục: NIPT
Annie Nguyễn:
Có thể bạn quan tâm